Rửa tay bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc người nghi bị nhiễm vi rút Ebola

(VOH) - Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới đã ghi nhận hơn 9.800 trường hợp mắc Ebola, trong đó có khoảng 4.604 trường hợp tử vong.

 WHO dự báo số người tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này có thể tăng lên 10.000 người nếu không có các biện pháp kiểm soát triệt để.

Hiện tại, dịch bệnh Ebola đã lây lan nhanh, ngoài các quốc gia châu Phi, tại Mỹ và Tây Ban Nha cũng xuất hiện một số ca mắc bệnh. Và khả năng lây lan dịch bệnh tại Việt Nam là hoàn toàn có thể. Do đó, việc chủ động phòng chống dịch virut Ebola là cách tốt nhất để hạn chế dịch bệnh cũng như hạn chế lây lan xảy ra.

Phóng viên Đài TNND TPHCM có cuộc phỏng vấn với TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM nhằm cung cấp thêm thông tin về phương pháp phòng bệnh cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

* Thưa bác sỹ, trước tình hình lây nhiễm dịch bệnh do vi rút Ebola trên thế giới như hiện nay, Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào nếu dịch bệnh xảy ra?

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng: Bệnh do vi rút Ebola hay còn gọi là sốt xuất huyết do virut Ebola lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể ví dụ như: máu, dịch tiết, nước bọt, chất nôn, chất ói, phân, mồ hôi của người bệnh; hoặc động vật nhiễm bệnh, hay dụng cụ có nhiễm vi rút. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày và bệnh bắt đầu lây nhiễm khi người bệnh có triệu chứng như là sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ói, tiêu chảy, xuất huyết ngoài da...

Tính đến ngày 17/10/2014, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận có 9.824 trường hợp mắc, trong đó có 4.604 tử vong. Trong 3 tuần gần đây thì số mắc và tử vong gấp đôi, đặc biệt tại 3 quốc gia Nigeria, Liberia và Sierra Leone. Hiện tại đã ghi nhận dịch bệnh lan sang các quốc gia khác ngoài châu Phi. Số nhân viên y tế nhiễm Ebola là 431 người, trong đó có 244 người đã tử vong. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp như thế, Bộ Y tế đã chuẩn bị 3 phương án đáp ứng việc phòng chống dịch.

+ Tình huống thứ nhất - Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam: chúng ta phải phát hiện sớm ca bệnh để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng.

+ Tình huống thứ 2 - Nếu xuất hiện ca bệnh xâm nhập tại Việt Nam: lập tức chúng ta phải khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong, cũng như hạn chế lây lan ra cộng đồng.

+ Tình huống thứ 3 - Khi dịch lây lan ra cộng đồng: chúng ta cũng đáp ứng nhanh bằng cách khoanh vùng và xử lý kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng.

Mặt khác, Bộ Y tế cũng thành lập 4 đội phản ứng nhanh phòng chống dịch Ebola tại 4 khu vực: Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên để đáp ứng kịp thời trong trường hợp ghi nhận ca nghi ngờ nhiễm Ebola. Bộ cũng đã chỉ đạo diễn tập khi nghi ngờ những người có nguy cơ đi vào Việt Nam. Thực hiện tờ khai y tế, kiểm tra thân nhiệt tại cửa khẩu các hành khách nhập cảnh từ các quốc gia có dịch, để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm Ebola vào Việt Nam. Cách ly và theo dõi sức khỏe tại cộng đồng trong 21 ngày kể từ khi họ rời khỏi vùng dịch.

* Như vậy, chúng ta cần thực hiện những biện pháp nào để phòng chống dịch bệnh, thưa bác sỹ?

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng: Phải giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ cửa khẩu, từ các quốc gia đang có dịch theo tình huống 1. Đồng thời chúng ta sẵn sàng đáp ứng với tình huống 2. Thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh tại các cơ sở y tế. Và quan trọng là phải giám sát chặt chẽ những hành khách nhập cảnh từ vùng châu Phi trong vòng 21 ngày kể từ ngày họ rời khỏi vùng dịch. Cho đến nay chưa phát hiện trường hợp nào có triệu chứng nhiễm vi rút Ebola. Những hành khách được theo dõi, tư vấn nếu có các biểu hiện như sốt, đau họng, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn tiêu chảy, xuất huyết da…thì phải nhanh chóng báo cho cơ sở y tế để được nhanh chóng khám và điều trị. Người dân không nên tiếp xúc với người thân, bạn bè đi từ vùng dịch về trong thời gian 21 ngày và cần báo sớm cho nhân viên y tế nếu có các biểu hiện như đã nêu. Đồng thời chúng ta cũng hạn chế đi đến các quốc gia có vùng dịch.

* Cho đến nay, VN chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Ebola, tuy nhiên chúng ta cần làm gì khi tiếp xúc với người nghi ngờ bị nhiễm vi rút Ebola?

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng: Nếu đã lỡ tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola thì người dân phải nhanh chóng rửa tay bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc. Tự cách ly mình tối thiểu 21 ngày và phải báo cho nhân viên y tế. Nếu có thể biết được tình trạng của người tiếp xúc nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola thì phải nắm rõ kết quả diễn tiến của người này, nếu họ không nhiễm Ebola thì không cần phải tự cách ly nữa. Nếu không rõ thì trong thời gian tự cách ly, người dân cũng cần theo dõi phát hiện sớm các triệu chứng như sốt, tiêu chảy, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, xuất huyết da...phải báo ngay cho nhân viên y tế địa phương để được thăm khám và cách ly tại bệnh viện. Đối với nhân viên y tế cần phải tuân thủ nghiêm túc việc mang phòng hộ cá nhân khi thăm khám và chăm sóc người nghi ngờ nhiễm Ebola.

Nhân viên Viện Pasteur TPHCM vận hành máy khử trùng di động - Ảnh: CAND.

* Trong trường hợp gia đình có người thân nhiễm bệnh này, thì phải tự bảo vệ mình bằng cách nào, thưa bác sỹ?

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng: Khi người thân trong gia đình có các triệu chứng nhiễm Ebola thì chúng ta phải lập tức báo cho nhân viên y tế địa phương để được thăm khám và cách ly tại bệnh viện. Không tiếp xúc gần với người bệnh. Phải rửa tay thường xuyên ngay sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, sau khi chạm vào thiết bị, đồ vật kể cả khả năng đã bị nhiễm bẩn ở môi trường xung quanh bệnh nhân. Phải tẩy trùng môi trường trong nhà hay xung quanh nơi ở của người nhiễm bệnh. Trong trường hợp phải chăm sóc người bệnh thì người thực hiện chăm sóc (hiện nay vẫn là nhân viên y tế) phải mang trang phục phòng hộ cá nhân theo đúng như quy định, đúng cách và phải hết sức nghiêm ngặt. Đồng thời lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân kể từ ngày cuối cùng tiếp xúc với người bệnh để báo cho cơ quan y tế, hạn chế tiếp xúc cộng đồng và tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày. Đó là những biện pháp cơ bản hiện nay nhằm phòng ngừa lây bệnh Ebola cho cộng đồng cũng như cho những người xung quanh.

* Cảm ơn bác sĩ