Tái cấu trúc không gian phát triển theo hướng biển
Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh không đơn thuần là việc “gom tỉnh”, mà thể hiện tầm nhìn lớn của Đảng trong việc tổ chức lại không gian phát triển đất nước, đặc biệt là theo hướng biển, tận dụng tiềm năng và vị trí chiến lược của các địa phương ven biển.
Ông dẫn chứng, trước đây Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nếu Quốc hội thông qua phương án sáp nhập mới sẽ có 21/34 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương có biển mở ra không gian rộng lớn và động lực mới cho phát triển kinh tế biển.
“Biển không chỉ là không gian phát triển kinh tế, mà còn đóng vai trò chiến lược trong quốc phòng, môi trường, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Việc tổ chức lại địa giới hành chính theo hướng này sẽ tạo thêm việc làm, sinh kế bền vững cho khu vực chiếm 31% dân số cả nước và có tới 13 triệu lao động,” ông Thi nhận định.

Hợp nhất quy mô lớn chưa từng có tạo đà cho cải cách
Theo phương án do Chính phủ trình Quốc hội, sẽ tiến hành 23 phương án sắp xếp 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh, hình thành 23 tỉnh mới, bên cạnh 11 tỉnh, thành phố giữ nguyên từ đó giảm tổng số từ 63 xuống còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (6 thành phố trực thuộc Trung ương và 28 tỉnh). Cùng với đó là sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, làm tiền đề cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) gọi đây là bước đi “chưa từng có tiền lệ” trong lịch sử hành chính hiện đại của Việt Nam, mang ý nghĩa “cải cách nhà nước trên quy mô lớn hướng tới hiệu quả và phát triển bền vững”.
Ông cũng đề nghị cần có tính toán kỹ về kết nối hạ tầng, đặc biệt với phương án sáp nhập Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM thành một siêu đô thị mới.
Ông chỉ rõ hiện Bà Rịa - Vũng Tàu không giáp trực tiếp TPHCM, bị ngăn cách bởi địa giới Đồng Nai, hạ tầng kỹ thuật còn rời rạc. Đại biểu cho rằng cần đầu tư các tuyến chiến lược như cao tốc, cầu vượt biển từ Vũng Tàu đến Cần Giờ để đảm bảo tính kết nối không gian, đáp ứng cả mục tiêu phát triển kinh tế và quốc phòng biển đảo.

Đại biểu Lê Kim Toàn (đoàn Bình Định) đề nghị phải đồng bộ thời điểm vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp (tỉnh và xã) nhằm tránh độ trễ trong quản lý, điều hành. Ông cũng lưu ý những tác động thực tế của việc đổi địa giới như thay đổi địa chỉ hành chính, thủ tục ký kết hợp đồng dân sự, cần có cơ chế chuyển tiếp phù hợp.
Một vấn đề khác được đại biểu Toàn đặc biệt lưu tâm là giải quyết tài sản công dôi dư. Theo tính toán sơ bộ, sẽ có hơn 4.200 trụ sở công bị bỏ trống sau sáp nhập.
Ông đề nghị cần có quy hoạch chuyển đổi công năng minh bạch, hiệu quả, phục vụ giáo dục, y tế, văn hóa, nhà ở xã hội hoặc trung tâm sáng tạo tránh tư nhân hóa trá hình, lãng phí tài sản công.
Song song với đó, ông kiến nghị đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối giao thông và công nghệ thông tin trong giai đoạn 2026-2030, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và điều hành của bộ máy mới sau khi hợp nhất.
Cải cách hành chính triệt để, tăng liên kết vùng
Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã là cú hích mạnh mẽ trong tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Bà cho biết sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm tới 66,91%, từ 9.907 xuống còn 3.321 xã đúng với tinh thần Nghị quyết 60/NQ-TW của Trung ương.
Bà Thủy nhấn mạnh: “Đây là sự thay đổi mang tính cách mạng. Khi sáp nhập, nhiều đơn vị nhỏ, thiếu năng lực phát triển sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn lực mới, tạo điều kiện để xây dựng chính quyền năng động, hiệu quả, đủ sức thực hiện nhiệm vụ theo đúng tinh thần: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.”
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đại biểu đoàn Hà Nội) cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhanh chóng ban hành thông tư 256, chỉ đạo chấm dứt hoạt động Ban trị sự Phật giáo cấp quận, huyện vào cuối tháng 6/2025.
Giáo hội cũng chủ trương tổ chức Đại hội trước nhiệm kỳ, hoàn tất đại hội cấp tỉnh, tiến tới đại hội cấp Trung ương trong năm 2025, để phù hợp với quy mô, địa giới hành chính mới.
Từ chủ trương lớn đến hành động cụ thể, có thể thấy việc sáp nhập các tỉnh, thành phố và đơn vị hành chính cấp xã không phải là sự thu hẹp, mà là bước "tái cấu trúc để mở rộng". Đây là xu hướng tất yếu của một quốc gia đang bước vào kỷ nguyên phát triển dựa trên kết nối vùng, kinh tế biển và chuyển đổi số.
Việc tổ chức lại bộ máy không chỉ nhằm tinh gọn, hiệu quả, mà còn giúp giải phóng tiềm năng, khai thông liên kết vùng, tạo sức bật mới về quản trị, đầu tư và hội nhập quốc tế.