Thượng tá Trần Thanh Trà, trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt phát biểu khai mạc lớp tập huấn. Ảnh: P.Nguyệt |
6 tháng đầu năm 2014, PC67 đã chấn chỉnh hơn 20 trường hợp vi phạm về ứng xử văn hóa của cảnh sát giao thông trong giao tiếp với người dân. Đồng thời cũng ghi nhận không ít những trường hợp người dân phản ứng với cách xử lý vi phạm hành chính của cảnh sát giao thông chủ yếu liên quan đến việc xử phạt các lỗi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, hành vi đi không đúng phần đường, làn đường. Đây là những lỗi khó chứng minh ở các chốt kiểm soát không có camera.
Từ năm 2013 đến nay, PC67 tổ chức 3 khóa tập huấn về ứng xử văn hóa của cảnh sát giao thông. Nét khác biệt trong các khóa tập huấn năm nay là chia thành hai lớp cho các cảnh sát giao thông là đảng viên và đoàn viên. Nội dung chủ yếu về các vấn đề tâm lý như cách để cảnh sát giao thông giữ bình tĩnh, xử lý linh hoạt với các tình huống khi giao tiếp với người dân, cách phân biệt và thấu hiểu tâm lý người tham gia giao thông, người vi phạm giao thông để có ứng xử phù hợp. Mục đích nhằm nâng cao bản lĩnh, khả năng ứng phó xử lý trước các tình huống xấu, phức tạp có thể dẫn đến người vi phạm có những hành động phản ứng, chống đối, tấn công người thi hành công vụ.
Đánh giá về hình ảnh người cảnh sát giao thông trong mắt người dân, ông Trần Hồng Minh nhận định: hình ảnh người cảnh sát giao thông nay đã được nâng lên một bước về thái độ, tư thế tác phong và ý thức trách nhiệm trong công tác. Tuy nhiên, Ban chỉ huy Phòng cũng nhìn nhận còn một số đồng chí có thái độ chưa đúng chuẩn mực, còn hách dịch với nhân dân. Việc này cần chấn chỉnh lâu dài để đi vào nề nếp. Cán bộ nào đã chấn chỉnh thì sẽ không cho tiếp tục các công việc tiếp xúc với nhân dân.
Thạc sĩ Hà Tài Sáu – phó hiệu trưởng trường đoàn Lý Tự Trọng đang tập huấn về văn hóa ứng xử cho cảnh sát giao thông. Ảnh: P.Nguyệt |
Để tăng cường công tác giám sát văn hóa ứng xử của cảnh sát giao thông, PC67 đã lên kế hoạch trang bị camera gắn trên nón bảo hiểm của cảnh sát giao thông hoặc trên xe tuần tra. Dự kiến sẽ thí điểm sớm nhất vào cuối năm 2014.
Ngoài ra, người dân có thể phản ánh các vấn đề về cảnh sát giao thông qua đường dây nóng 38.38.75.21, phản ánh các vấn đề về sự cố giao thông, ùn tắc giao thông qua số điện thoại 39.10.33.33.
Trả lời câu hỏi báo chí về các bức xúc của người dân liên quan đến thái độ, ứng xử của cảnh sát giao thông thời gian qua, ông Trần Hồng Minh cho biết đã có điều tra và kết luận các vụ việc này. Không có việc cảnh sát giao thông đội Hàng Xanh ném đá người vi phạm hay bỏ rơi người vi phạm là nữ giữa đêm khuya. Liên quan đến vụ việc báo Thanh Niên phản ánh người vi phạm bị người lạ mặt đứng gần cảnh sát giao thông hành hung, Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ Đường sắt đã rút kinh nghiệm với các chiến sĩ. Với những tình huống tương tự nếu có xảy ra, cảnh sát giao thông phải quán xuyến địa bàn nơi mình kiểm soát và kịp thời can thiệp để bảo vệ người dân.