Sẽ rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu

(VOH) - Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành đánh giá vấn đề rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu và tái cấu trúc quy trình dịch vụ công trực tuyến…

Ngày 17/1, tại cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 - Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - đề nghị các bộ, ngành, thành viên đánh giá vấn đề rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu và tái cấu trúc quy trình dịch vụ công trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về quy trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính sau khi bỏ sổ hộ khẩu; 

Thúc đẩy thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, trước mắt tập trung nhân rộng, triển khai 02 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí” trên địa bàn toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ Công an
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp.

Bộ trưởng Tô Lâm - nhấn mạnh, cần khẩn trương triển khai xây dựng, tạo lập các cơ sở dữ liệu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2023 là năm tạo lập và khai thác hiệu quả dữ liệu.

Đối với nhiệm vụ này, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành khẩn trương rà soát để thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành mình theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm các dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” và kết nối đồng bộ.

Tại buổi làm việc, các đại biểu thống nhất cao với nhận định 2023 là năm của hành động, quyết định sự thành bại của Đề án 06. Tổ công tác đã dự thảo 106 nhiệm vụ của từng bộ, ngành và 18 nhiệm vụ của các địa phương cần thực hiện.

Cụ thể, đối với Bộ Công an tập trung triển khai 33 nhiệm vụ, trong đó phát huy vai trò thường trực, đề xuất đưa báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 vào thảo luận tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ hàng tháng; tập trung đề xuất hoàn thiện về pháp lý, như tham mưu ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, xây dựng Luật Căn cước công dân sửa đổi trình Quốc hội thông qua; tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID và đẩy mạnh việc cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân…

Các bộ, ngành khác sẽ thực hiện các nhiệm vụ: đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nghiên cứu, xây dựng giải pháp, kế hoạch và triển khai xác thực, chuẩn hóa lại thông tin thuê bao sau khi đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…; đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thống nhất sử dụng mã định danh công dân là mã số thuế…