Share không nghĩ: Thông tin ảo, hậu quả thật

(VOH) - Việc like và share bất cần biết thông tin thật hay giả, đúng hay sai, nên hay không của nhiều người hiện nay đã gây ra nhiều tác hại khôn lường cho xã hội.

Hạ nhục người khác không thương tiếc

Ngay khi xuất hiện thông tin về vụ em học sinh lớp 1 tại Quận Thủ Đức, TPHCM nghi bị xâm hại tình dục tại trường học, dân mạng ùn ùn chia sẻ các thông tin kiểu như “Chân dung kẻ cưỡng bức bé gái lớp 1 tại TPHCM”, “TPHCM chân dung 3 kẻ xâm hại tình dục trẻ em!”, “N T Đ kẻ đã cưỡng bức bé gái”…

Dù chưa có kết luận của cơ quan điều tra nhưng nghi phạm đã bị cộng đồng mạng phanh phui tất cả, từ lý lịch trích ngang, trích chéo, địa chỉ nhà đến cả trang cá nhân, hình ảnh, hình chế nhằm lật mặt, lên án, tẩy chay…

Hàng trăm trang mạng xã hội đăng, hàng trăm ngàn người share nhanh chóng những thông tin như vậy dù trắng đen còn chưa rõ ràng. Để rồi, người bị “lôi vào cuộc” phải ê chề cúi mặt cho tới tận khi cơ quan điều tra kết luận bé 7 tuổi ở Thủ Đức không bị xâm hại tình dục ở trường và có thể còn cúi mặt lâu hơn vì sự e dè của người xung quanh.

Nhiều người đang quá dễ dãi khi nhấn nút "share" (Ảnh: Search Engine Journal)

Lại nói về trường hợp Đặng Hữu Nghị - một mình nuôi 2 con teo não. Câu chuyện đầy xúc động được nhiều người chia sẻ hẳn là tốt nhưng điều đáng nói là sau đó không lâu, khi thông tin về người vợ anh Nghị hay số tiền các nhà hảo tâm gửi tặng anh Nghị được khai thác sâu hơn… thì dân mạng lại “trở mặt” chia sẻ kèm theo comment tổng sỉ vả rằng: anh lợi dụng 2 người con để trục lợi, còn vợ anh chẳng ra gì vì đã... bỏ rơi 2 con khuyết tật.

Các “thánh bàn phím” không ngại ngùng dùng cả vốn từ "bẩn" của mình để chửi bới, vào hùa với nhau để lăng mạ các nhân vật mà họ từng share để thể hiện lòng trắc ẩn của mình.

Thực tế, tất cả thông tin được chia sẻ chỉ là một phần sự thật và chúng ta không phải người trong cuộc nên không thể thấu tường nỗi đau, biến cố, vấp váp mà họ trải qua. Việc nhận xét kiểu chụp mũ không chỉ khiến người trong cuộc đau khổ mà còn đẩy vấn đề trở nên tiêu cực và gây hoang mang cho những người thường xuyên san sẻ, giúp đỡ người khác.

Cuối năm 2014, trên trang mạng Facebook có một nhóm mang tên "Tập đoàn thánh bóc" cũng liên tục đăng bài viết, hình ảnh các doanh nhân, người mẫu, nghệ sĩ trong giới showbiz với nội dung xuyên tạc, xâm hại đời sống cá nhân. Hai phụ nữ liên quan đến những bài viết này đã bị khởi tố về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân theo điều 258, Bộ Luật hình sự.

Tuy nhiên, những thông tin chưa kiểm chứng mà các đối tượng này đăng lên facebook từng được các antifan share chóng mặt và comment tục tĩu, bậy bạ - đơn giản vì đây là cái cớ để hạ thấp nhân phẩm người nổi tiếng mà họ ghét… và lăng xê, bợ đỡ cho thần tượng của mình. Họ không bao giờ ngờ rằng, đằng sau những cái like, share của mình là những "tập đoàn ma", kiếm tiền khủng từ sự cả tin và lượng view, lượng like của người dùng.

Cân nhắc trước khi bấm nút share

Theo The New York Times, kể từ khi ra đời vào tháng 10/2006, nút Share đã được xác định là một tính năng quan trọng nhất của mạng xã hội facebook. Hơn 10 năm tồn tại, nút Share đã khiến thế giới mạng đảo lộn nhiều lần, ảnh hưởng đến hàng triệu công dân mạng. 

Cứ mỗi phút, 1,3 triệu lượt chia sẻ được thực hiện trên Facebook - điều này đặt ra câu hỏi, người dùng dành bao nhiêu thời gian suy nghĩ trước khi quyết định click chuột để share thông tin? Có người cho rằng, mạng xã hội là một xã hội “tự do” và những người cùng "quan điểm" có thể thỏa sức “phát ngôn”, chia sẻ phát ngôn, thậm chí được phép sử dụng vốn ngôn ngữ chợ búa của mình để chửi bới, ném đá người khác.

Tuy nhiên, về sâu xa, “quyền phát ngôn” trên mạng xã hội lại động chạm rất lớn tới “quyền riêng tư” của nhiều người và đôi khi làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống ngoài đời của người bị miệt thị.

Chuyên gia tâm lý Trương Bích Phượng chia sẻ: “Đôi khi, người ta chỉ nghĩ đơn giản là một cái share chẳng có nghĩa lý gì nhưng chúng tôi khẳng định, có rất nhiều gia đình, rất nhiều vấn đề trở nên nghiêm trọng vì những cái like, share hay comment vô ý thức của dân mạng”.

Chẳng hạn như vụ em học sinh lớp 1 tại Quận Thủ Đức. Khi vụ việc chỉ mới nhen nhóm, dân mạng đã tự điều tra, khai thác, chia sẻ thông tin “tứ bề”, tông ti họ hàng, vợ con của một người đàn ông trong trường – bị nghi là thủ phạm.

Nhưng khi có kết luận điều tra thì không ai trong những người share kia dám lên tiếng xin lỗi người từng bị miệt thị, cũng không xin lỗi rằng mình đã share vội vàng và không đúng. Đó, vấn đề lớn nhất hiện nay là dân mạng “khoái” share thông tin chưa kiểm chứng kiểu câu like, câu view nhưng chỉ tặc lưỡi nếu biết mình share sai.

Theo chuyên gia Bích Phượng, việc like, share, comment hiện nay không đơn giản chỉ là ảo nữa mà đôi khi còn… giết chết người thật trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế hãy khoan share thông tin trên mạng xã hội nếu như chưa có sự kiểm chứng bởi có thể thông tin đăng trên facebook hoàn toàn đánh giá theo ý kiến chủ quan của người khác hoặc đánh giá hùa theo đám đông. 

Giữa ma trận thông tin, hình ảnh vô cùng phong phú, đa chiều - có thể rất tai hại thì mỗi người cần tự xây dựng cho mình một “bộ lọc” tùy theo mục đích, hoàn cảnh, sở thích của riêng mình.

Trước khi tiếp nhận hay chia sẻ một thông tin nào đó, cần suy nghĩ nhiều hơn, tra cứu nhiều nguồn tin khác nhau và đừng tin nhanh, share vội vì biết đâu một ngày nào đó, chính mình lại trở thành nạn nhân của những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội.