Siết chặt xét tuyển đại học bằng học bạ: Bộ GD-ĐT đặt ra yêu cầu mới

VOH - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 với nhiều thay đổi đáng chú ý, đặc biệt là siết chặt xét tuyển bằng học bạ.

Theo dự thảo, các trường đại học được tự chủ trong lựa chọn phương thức tuyển sinh, bao gồm thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên, phương thức xét tuyển học bạ sẽ phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn, như sử dụng kết quả học tập cả năm lớp 12 thay vì điểm 3-5 học kỳ như hiện nay.

Ngoài ra, tổ hợp xét tuyển phải bao gồm ít nhất 3 môn, trong đó Toán và Ngữ văn là bắt buộc.

Việc thay đổi này nhằm khắc phục tình trạng học sinh lơ là học kỳ 2 lớp 12 khi nhiều trường chỉ xét tuyển học bạ dựa trên điểm số học kỳ trước. Điều này được cho là ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phổ thông cuối cấp và làm mất công bằng giữa các phương thức xét tuyển, đặc biệt là giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Xet tuyen dai hoc cao dang
Ảnh minh hoạ: VOH

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu tất cả các phương thức xét tuyển phải quy đổi về thang điểm chung, đảm bảo điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc này nhằm tăng tính minh bạch và công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.

Dự thảo còn đưa ra quy định về ngưỡng đầu vào đối với các ngành đặc thù như Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật, Y tế, với yêu cầu điểm xét tốt nghiệp từ 6,5 trở lên hoặc xếp loại học lực khá trong cả 3 năm THPT.

Ngoài ra, các trường được phép xét tuyển sớm nhưng chỉ tiêu dành cho phương thức này không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành. Các cơ sở đào tạo phải chịu trách nhiệm giải trình rõ ràng về căn cứ khoa học, thực tiễn của phương thức và tổ hợp xét tuyển, dựa trên đánh giá kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.

Dự kiến, các quy định này sẽ làm thay đổi đáng kể quy trình xét tuyển học bạ, buộc các trường phải thận trọng hơn trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, nó cũng góp phần đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh, nâng cao chất lượng đầu vào đại học trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

 
Bình luận