Siết kỷ luật ngân sách

(VOH) - Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, tăng trưởng không đạt như dự báo, siết chặt kỷ luật ngân sách là điều cần làm, phải làm. Chi sai định mức, vượt dự toán là những vấn đề nổi cộm trong chi tiêu ngân sách cả ở Trung ương lẫn địa phương trong vài năm trở lại đây. Hàng năm, Kiểm toán Nhà nước tổ chức khoảng 230 cuộc kiểm toán liên quan đến ngân sách. Riêng năm 2015, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính trên 19.000 tỷ đồng. Không chỉ thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả đầu tư mà còn phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu.

Bên lề Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trao đổi nhanh với VOH xung quanh các nội dung này.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. Ảnh: H.L

* VOH: Thưa ông, đến thời điểm này chúng ta đang nhìn thấy rất rõ ràng về gánh nặng ngân sách. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện những vấn đề nổi bật nào trong việc tuân thủ kỷ luật ngân sách?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Hằng năm, chúng tôi thực hiện khoảng 230 cuộc kiểm toán để phát hiện ra những sai sót, chấn chỉnh các biện pháp quản lý giúp cho việc sử dụng ngân sách tiết kiệm hơn và hiệu quả hơn.

Năm 2015, chúng tôi kiến nghị xử lý tài chính trên 19.000 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm nay chúng tôi đã hoàn thành 112 cuộc kiểm toán, với kiến nghị xử lý tài chính trên 14.000 tỷ đồng, trong đó có những sai sót như về nộp ngân sách của các đơn vị thuế, hay các loại nghĩa vụ khác.

Ngoài ra, còn phát hiện và kiến nghị các vấn đề như: chi tiêu không đúng định mức, chế độ tiêu chuẩn quy định và các vấn đề lập dự toán, thực hiện dự toán ngân sách... chưa được đúng.

Chúng tôi nhằm đến ba mục tiêu cốt lõi khi kiểm toán: Phải xử lý được tài chính, nghĩa là phải thu hồi được những khoản chi sai chính sách, chế độ và những khoản chưa nộp. Ngoài ra, kiến nghị sửa đổi các chính sách không đúng với thực tiễn, không đúng pháp luật hiện hành, để bịt những chỗ rò, chỗ hở do chính sách gây ra để giữ được ngân sách và tài sản công một cách hiệu quả nhất.

Cuối cùng là vấn đề kiến nghị, xử lý các tổ chức cá nhân liên quan. Hiện chúng tôi đang nỗ lực thực hiện. Hàng năm, việc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán, nhìn chung các đơn vị thực hiện nghiêm.

* VOH: Trong quá trình Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ cùng với những kiến nghị của  Kiểm toán, việc các địa phương cũng như cơ quan TƯ thực hiện xử lý  để bịt các lỗ hổng này như thế nào?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Hiện nay bình quân Kiểm toán Nhà nước kiến nghị và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán đạt được khoảng 65-70%.

Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, trên thực tế do ngân sách khó khăn nên việc thực hiện kiến nghị của kiểm toán cũng phải có thời gian để các cơ quan, đơn vị có được nguồn lực để thực hiện.

Chẳng hạn vừa rồi chúng tôi kiến nghị về thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco là 408 tỷ đồng thì họ cũng đã nộp nghiêm túc. Hoặc kiến nghị về thu ngân sách đối với Habeco 931 tỷ đồng, doanh nghiệp cũng nghiêm túc thực hiện và hoàn thành trong thời gian ngắn.

Như vậy, việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán phải bao gồm sự nỗ lực của ngành kiểm toán và sự tự giác, chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính của các đơn vị được kiểm toán. Chúng tôi hy vọng tình hình thực hiện kết luận kiến nghị của Kiểm toán sẽ ngày một tốt hơn.

* VOH: Đối với việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán, thời gian tới có thể tốt hơn hay không thưa ông, vì rõ ràng  như ông nói, là còn hơn 30% kiến nghị chưa xử lý đến nơi đến chốn?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Tôi cho rằng trong thời gian tới chắc chắn sẽ tốt hơn, bởi điều này còn phụ thuộc vào cả hai phía. Thứ nhất là các kiến nghị của kiểm toán phải đúng đắn, phù hợp và tính khả thi cao. Thứ hai là sự nỗ lực và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được kiểm toán, cũng như tình hình tài chính của họ để thực hiện.

Kiến nghị Kiểm toán không chỉ thực hiện xử lý về mặt tài chính mà còn về vấn đề hoàn thiện, thay đổi các chính sách cho phù hợp hay như việc kiểm điểm xử lý kỷ luật những sai phạm của cán bộ và tổ chức sai phạm.

* VOH: Xin cảm ơn ông!