Chờ...

Siết quảng cáo 'phóng đại' thực phẩm chức năng

VOH - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng.

Trước đó, Chính phủ nhận được kiến nghị về kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng từ Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng đã được chỉ đạo trước đó.

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tham khảo kiến nghị của hiệp hội, đồng thời được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát hệ thống quy định của pháp luật hiện hành và đánh giá thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân.

 Thuc pham chuc nang Viet Nam
Ảnh minh hoạ

Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo theo thẩm quyền các giải pháp phù hợp và đề xuất việc hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp cần thiết nhằm quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7.

Theo Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu như năm 2000, ở Việt Nam chỉ có vài chục loại thực phẩm chức năng và chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu, đến nay số lượng đăng ký mới hàng năm đã lên tới hàng chục nghìn sản phẩm.

Tuy nhiên, thống kê của Cục An  toàn Thực phẩm, năm 2020 có 48 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền xử phạt hành chính hơn 2,2 tỉ đồng. Năm 2021 có 28 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng và năm 2022 là 28 cơ sở với số tiền là hơn 1,2 tỉ đồng.

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” thực phẩm chức năng.

Tại một hội thảo “Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quản lý thực phẩm chức năng trên địa bàn TPHCM năm 2024” tổ chức cuối tháng 4, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cho biết người dân đang đẩy mạnh sử dụng thực phẩm chức năng trong những năm gần đây, từ đó xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối.

Mặc dù đi sau thế giới, ngành thực phẩm chức năng Việt Nam lại đi rất nhanh, dẫn đến việc sản xuất, mua bán và quảng cáo gặp rất nhiều vấn đề. Trong đó, nổi cộm là vấn đề sản xuất, quảng cáo và kinh doanh thực phẩm chức năng.

Về vấn đề quảng cáo, PGS.TS Phong Lan cho biết các cơ quan nhà nước rất "đau đầu" trong việc quản lý. Việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên không gian mạng đang rất bát nháo, thổi phồng công năng và khẳng định chữa khỏi tất cả các loại bệnh.

Không chỉ dừng lại ở các quảng cáo như “nhà tôi ba đời chữa bệnh”, các cơ sở này còn dùng hình ảnh của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng, nghệ sĩ để tạo niềm tin cho người dân.