Slovenia đánh giá cao nguồn nhân lực và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

VOH - Chiều 23/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Cộng hòa Slovenia Tanja Fajon nhân dịp thăm chính thức Việt Nam.

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Slovenia ngày càng phát triển hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Trao đổi về quan hệ song phương, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, đặc biệt trong năm 2024 khi hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thủ tướng mong Slovenia tạo thuận lợi hơn nữa cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, nông sản, thủy sản tiếp cận thị trường Slovenia và EU.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Slovenia sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.

Slovenia đánh giá cao nguồn nhân lực và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Slovenia Tanja Fajon - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Tanja Fajon khẳng định với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, Slovenia mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với Việt Nam trên các lĩnh vực.

Bà Tanja Fajon nhấn mạnh Chính phủ Slovenia đánh giá cao những lợi thế về thị trường, nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, cũng như việc hai nước đều là các quốc gia ủng hộ tự do thương mại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Tanja Fajon nhất trí hai nước cần tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương và khu vực, cùng nhau đối phó với các thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Bình luận