Sóc Trăng cần quyết tâm giành “thắng lợi kép” trong phát triển KTXH

(VOH) - Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và quý I năm 2020.

Sóc Trăng có vị trí quan trọng trong vùng duyên hải phía đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua, kinh tế - xã hội của Tỉnh có nhiều điểm sáng, có bước phát triển vượt bậc, nhất là năm 2019, Tỉnh đạt và vượt cả 20/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) đạt 7,3% (cao nhất kể từ năm 2015), thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm. Quý I năm 2020, trong điều kiện khó khăn chung, sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ đều có bước tăng trưởng khá so với bình quân chung cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,1% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,21%; xuất khẩu tăng hơn 12%. Sóc Trăng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn, trong sản xuất nông nghiệp Tỉnh đã tích cực, chủ động xuống giống sớm, giảm tối đa thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, năng suất bình quân đạt 6,32 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, là một trong 5 tỉnh có năng suất lúa cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có giống gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới.

Sóc Trăng

Một góc tỉnh Sóc Trăng

Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chỉ thị, Công điện và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành về phòng, chống dịch COVID-19, thành lập 23 đội phản ứng nhanh, chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung và thực hiện tốt công tác cách ly theo đúng quy định, đến nay chưa ghi nhận ca dương tính với vi-rút SARS-COV-2.

Bên cạnh việc phát huy những điểm mạnh, thành tựu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm chỉ đạo khắc phục bất cập, khó khăn trong một số lĩnh vực như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, phát triển doanh nghiệp còn khó khăn, kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là hộ nghèo người dân tộc Khmer còn ở mức cao.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Sóc Trăng cần tiếp tục huy động sử dụng tốt mọi nguồn lực, chủ động, tích cực, tập trung cao độ triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, quyết tâm giành “thắng lợi kép” trong phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phòng, chống dịch COVID-19, phấn đấu đến năm 2025, Sóc Trăng phải là một tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, theo dõi sát, thông tin nhanh chóng, kịp thời tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và huy động tốt các nguồn lực, triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp với thực tế của địa phương để phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; chỉ đạo kiên quyết hơn các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp khả năng bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng trên địa bàn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phát triển các ngành dịch vụ, phát huy tiềm năng, thế mạnh trong du lịch, nhất là du lịch lễ hội, văn hóa – lịch sử; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2021 số lượng doanh nghiệp tăng gấp 3 lần lên khoảng 8 nghìn doanh nghiệp.

Tỉnh Sóc Trăng cần phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Bình luận