Sư đoàn không quân 370 - 37 năm canh giữ vùng trời

(VOH) - Được thành lập vào ngày 30/10/1975, qua 37 năm xây dựng và trưởng thành, Sư đoàn không quân 370 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ vùng trời, vùng biển, thềm lục địa và khu vực hải đảo phía Nam của tổ quốc. Với những thành tích xuất sắc của mình, ngày 23/11/2011, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là một vinh dự nhưng đồng thời cũng là một trọng trách mà cán bộ, chiễn sĩ đơn vị cần phải phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới. Ngày 2/3/2012, lễ đón nhân danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã được Sư đoàn 370 long trọng tổ chức. Nhân sự kiện này, Phóng viên VOH đã phỏng vấn Đại tá Trần Ngọc Đông, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370.

PV: Vâng, xin chào ông! Trước tiên ông hãy mô tả đôi nét về nhiệm vụ và trọng trách mà Sư đoàn 370 đảm nhận để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò và hoạt động của đơn vị.

Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 370 - Đại tá Trần Ngọc Đông. Ảnh do Ban tuyên huấn Sư đoàn 370 cung cấp.

Đại tá Trần Ngọc Đông: Sư đoàn 370 Quân chủng PK-KQ được thành lập ngày 30/10/1975 khi mới thành lập đóng quân tại sân bay Đà Nẵng với nhiệm vụ: Tiếp thu các sân bay, kho xưởng tại khu 5, đồng thời Bảo vệ vùng trời miền Trung và Tây nguyên, tham gia bảo vệ củng cố chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng và vùng trời trách nhiệm từ đèo Hải Vân đến đảo Thổ Chu- đảo Phú Quốc. Tháng 8 năm 1987 trước yêu cầu nhiệm vụ trên giao Sư đoàn chuyển vị trí đóng quân về Sân bay Tân Sơn Nhất- Thành Phố Hồ Chí Minh.

Trải qua 37 năm xây dựng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và trưởng thành tư lúc chỉ được biên chế một trung đoàn bay đến nay Sư đoàn đã trở thành một đơn vị Không quân hỗn hợp đóng quân trên địa bàn trải rộng từ tỉnh Ninh Thuận, Biên hoà-Đồng nai, Cần thơ và Thành phố Hồ Chí Minh và được trang bị nhiều loại máy bay, xe máy, vũ khí, khí tài hiện đại, có đủ khả năng làm nhiệm vụ trên đất, trên biển góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, chủ quyền biển đảo thềm lục địa phía nam của Tổ quốc và thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, vận chuyển quân sự, bay chuyên cơ phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đi công tác. .

PV: Thưa ông, quản lý một khu vực rộng lớn và có tầm quan trọng như thế, Ban chỉ huy đơn vị đã có kế hoạch như thế nào để chỉ đạo cán bộ chiến sĩ đơn vị đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trọng trách Sư đoàn đã được giao?

Đại tá Trần Ngọc Đông: Trong những năm gần đây Sư đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động bay như: Bay trinh sát chụp ảnh, trinh sát tuần tiễu, bay BX, khu vực Quần đảo Trường Sa và biển Tây Nam để khẳng định chủ quyền biển đảo; đồng thời đã sử dụng máy bay trực thăng bay thông báo bão, khắc phục hậu quả sau bão lụt, hỏa hoạn, bay cấp cứu Nhân dân và Bộ đội bị nạn ở đảo Trường Sa, bay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ở Tây nguyên và khu vực nam Trung bộ. Trong những năm qua Sư đoàn trực tiếp tham gia nhiều cuộc diễn tập do Bộ Quốc phòng và Quân chủng PK-KQ tổ chức. Đặc biệt năm 2007 lần đầu tiên đã tổ chức thành công bắn tên lửa X-31A trên biển đây là loại tên lửa “Không đối hạm” được Bộ Quốc Phòng đánh giá cao. Thường xuyên tổ chức tốt các đợt cơ động chuyển sân huấn luyện trên các sân bay Cam Ranh, Cần Thơ, Phan Rang, Biên Hòa, Vũng Tàu. Đồng thời luôn duy trì nghiêm chế đô trực ban SSCĐ, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay, đóng quân canh phòng, bảo đảm an toàn căn cứ sân bay. Chú trọng công tác huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay các khoa mục huấn luyện đều chặt chẽ, sát với từng nhiệm vụ điều kiện thực tế, bám sát phương châm huấn luyện: “Cơ bản- thiết thực- vững chắc- an toàn- tiết kiệm” và tư tưởng chỉ đạo huấn luyện: “Tích cực, thiết thực, thận trọng, an toàn” và các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện. Tổ chức huấn luyện toàn diện, huấn luyện mũi nhọn chuyên sâu, coi trọng bảo đảm an toàn bay. thực hiện tốt các nội dung, các khoa mục huấn luyện và giữ vững được lực lượng phi công mũi nhọn làm nhiệm vụ SSCĐ; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện chuyển loại cho các đơn vị trong Sư đoàn và đơn vị bạn không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho phi công, tổ bay, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện bay và bảo đảm an toàn bay, Sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sỹ đi làm nhiệm vụ, hàng ngàn tấn hàng hoá, thuốc men cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở miền Tây Nam bộ và Trung bộ, bay phục vụ nhiệm vụ chống cháy rừng, đồng thời thực hiện nhiệm vụ bay chuyên cơ phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đi kiểm tra, làm việc tại các tỉnh và các đảo khu vực phía Nam bảo đảm an toàn tuyệt đối và nhiều nhiệm vụ đột xuất khác.

Trong những năm qua, lớp lớp cán bộ chiến sỹ Sư đoàn đã phát huy bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vượt qua bao khó khăn thử thách, lập nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng, viết nên truyền thống vẻ vang, tô thêm trang sử chói lọi của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Với thành tích đó, ngày 23 tháng 11 năm 2011 Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND cho Sư đoàn vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phan vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

PV: Được thành lập vào năm 1975, truyền thống vẻ vang của sư đoàn 370 đã được cán bộ, chiến sĩ, đặc biết là chiến sĩ trẻ kế tục như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Đại tá Trần Ngọc Đông: Là đơn vị vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, nên Sư đoàn đã chú trọng đào tạo lớp cán bộ kế cận. Số cán bộ, Phi công vừa tốt nghiệp ở các trường trong và ngoài quân đội được biên chế về đơn vị, với đội ngũ này chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi xây dựng kế hoạch đào tạo, bổ túc, huấn luyện những kinh nghiệm, những bài bay, nội dung huấn luyện phù hợp với tình hình và trình độ của mỗi cán bộ, từng bước nâng cao khả năng SSCĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, chú trọng khâu lựa chọn cán bộ tốt tiếp tục gửi đi đào tạo nâng cao ở các trường để bổ sung, thay thế cho đội ngũ cán bộ khi đến tuổi nghĩ chế độ, do vậy đội ngũ cán bộ của Sư đoàn có đủ khả nawg hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đối với đội ngũ chiến sỹ sau khi được huấn luyện lớp chiến sỹ mới bổ sung về đơn vị, được lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã chỉ bảo ân cần vừa là người chỉ huy, vừa là người chú, người anh, với tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, các đồng chí chiến sỹ mới đã nhanh chóng hoà nhập và làm quen với nề nếp chế độ, tích cực học tập, rèn luyện trong quân đội với khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu”.

Trong suốt quá trình huấn luyện đã chủ động nâng cao chất lượng toàn diện theo các khoa mục, chuẩn bị kỹ từng trang giáo án huấn luyện, đến các động tác giảng bài, nội dung huấn luyện bám sát thực tế, bảo đảm cho chiến sỹ mới nắm vững lý thuyết, thành thạo các yếu lĩnh động tác. Thông qua các bài học chính trị, các buổi sinh hoạt giáo dục truyền thống, kết hợp với việc duy trì nề nếp chế độ, giáo dục rèn luyện kỷ luật, xây dựng tác phong chính qui, từng bước xây dựng hình thành nhân cách quân nhân, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ.

PV: Trong những ngày này, khi mà toàn bộ CB chiến sĩ của Sư đoàn đang hân hoan đón nhận danh hiệu AHLLVTND, đại diện cho đơn vị, ông có chia sẻ gì với bạn đọc VOH?

Đại tá Trần Ngọc Đông: Được đón nhận danh hiệu AHLLVTND là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn của Đảng, nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng, trực tiếp là thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân. Đối với cán bộ chiến sĩ Sư đoàn không quân 370, trên cương vị Sư đoàn trưởng, tôi luôn nhận thức rằng, đây là niềm tự hào của Sư đoàn cũng như cá nhân. Để có thành tich này có sự đóng góp của lớp lớp các thế hệ cán bộ chiến sĩ. Dịp này, thay mặt thường vụ đảng ủy Ban chỉ huy Sư đoàn tôi chân thành cảm ơn thủ trưởng các cấp, cấp ủy chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội đã quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Xin cảm ơn ông!