Sức ép về lạm phát còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp

(VOH) - Ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2023.

Tại phiên họp, Chính phủ tập đã trung thảo luận về tình hình KTXH tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi, phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; giải ngân vốn đầu tư công; thực trạng tình hình thị trường quốc tế và trong nước.

Các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường và thúc đẩy xuất khẩu; dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và một số nội dung quan trọng khác.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình KTXH tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023 nhìn chung tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực:

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,45% so với tháng 1 và tăng 0,97% so với tháng 12/2022.

Thu ngân sách tháng 2 đạt 124,6 ngàn tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đạt 362,3 ngàn tỷ đồng, tăng trên 10,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tháng 2 là 25,9 tỷ USD, lũy kế 2 tháng đạt 49,4 tỷ USD, nhập khẩu 46,2 tỷ USD, xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp với thời tiết thuận lợi, diện tích gieo trồng tăng, trồng rừng mới tăng 4,8%, sản lượng thủy sản tăng 1,3 %.

Sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 5,1% so với tháng 1; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 51,2 điểm so với 47,4 điểm của tháng 1, thể hiện sản xuất có xu hướng phục hồi và mở rộng đơn hàng mới có thể tăng trở lại.

Khu vực dịch vụ phát triển tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 02 tháng tăng 13% so với cùng kỳ; khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 2 tháng hỗ trợ 25 triệu đối tượng chính sách với tổng kinh phí là 9,5 nghà tỷ đồng; hỗ trợ gạo vào thời điểm Tết và giáp hạt trên 18.200 tấn.

Các sự kiện văn hóa, lễ hội dịp Tết Nguyên đán được tổ chức an toàn, lành mạnh; nhiều sự kiện tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực, chuyển đổi số được tăng cường. Trong 2 tháng đã tổ chức các hội nghị triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời xúc tiến đầu tư; môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện và được đánh giá tốt trong khu vực.

Sức ép về lạm phát còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp 1
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2023.

Các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý, trong đó nổi lên là ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép về lạm phát còn cao; Tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng;

 Lạm phát, cạnh tranh chiến lược, tăng giá dầu, giá khí, an ninh lương thực, an ninh thông tin tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực; Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, nhất là ngành chế biến, chế tạo;

Thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp;  Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; Số vốn FDI thực hiện giảm;

Thị trường vốn, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để ở một số bệnh viện;

 Tình hình an ninh trật tự, nhất là tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các địa bàn ở vùng Tây Bắc.