Tách Luật giao thông đường bộ là đáp ứng yêu cầu của thực tiễn

VOH - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, việc xây dựng, ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng.

Đây là nội dung nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 được Quốc hội thông qua sáng nay 2/6.

Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Đánh giá việc tách thành 2 luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định đây là công việc nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Việc tách luật cũng phù hợp với xu hướng xây dựng các đạo luật cụ thể, có phạm vi điều chỉnh hẹp, tập trung vào một lĩnh vực, quy định chi tiết để áp dụng ngay được.

Tách Luật giao thông đường bộ là đáp ứng yêu cầu của thực tiễn 1
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Dự án Luật Đường bộ đã rà soát phạm vi điều chỉnh và các quy định của dự thảo Luật bảo đảm phân định rõ với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dự luật giúp thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; bổ sung, cập nhật đánh giá tác động đối với các nội dung về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về đường bộ, về quản lý đối với phương tiện giao thông công nghệ, phân định các loại hình kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó có bổ sung, phân tích làm rõ các tồn tại, bất cập và giải pháp khắc phục về đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được rà soát, chỉnh lý nội dung về phạm vi điều chỉnh, về hành vi bị nghiêm cấm, các quy tắc giao thông đường bộ, điều kiện phương tiện tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tổ chức chỉ huy điều khiển giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra, kiểm soát, ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ...

Tuy nhiên kết quả tán thành tách luật không được khả quan khi chỉ có 104 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội; có 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,7% tổng số đại biểu Quốc hội.