Talkshow 'Cám ơn lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch Covid -19 ở Quảng Nam – Đà Nẵng'

(VOH) - Các y bác sĩ, các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid-19 có dịp chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn và những kỷ niệm trong quá trình công tác của mình.

Sáng 05/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố phối hợp với Ban lãnh đạo Trung tâm Ca Nhạc Nhẹ Thành phố và các đơn vị thực hiện, sản xuất chuỗi Talkshow tương tác cùng Nghệ sĩ với chủ đề “Cảm ơn những tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid – 19”, tổ chức họp mặt để tri ân đoàn y, bác sĩ, điều dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia tiếp ứng, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam vừa qua.

Buổi họp mặt để tri ân đoàn y, bác sĩ, điều dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia tiếp ứng, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam vừa qua.
Buổi họp mặt để tri ân đoàn y, bác sĩ, điều dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia tiếp ứng, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam vừa qua.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 3 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc – Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố đã tiếp nhận hơn 235 tỷ đồng trong đó tiền mặt hơn 168 tỷ đồng, hàng hóa nhu yếu phẩm là 27 tỷ đồng, trang thiết bị y tế là hơn 40 tỷ đồng; Đã chuyển hơn 117 tỷ đồng đến các y, bác sĩ, nhân viên y tế, các lực lượng vũ trang, các lực lượng bộ đội Biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các vùng biên giới cũng như chia sẻ khó khăn của người nghèo, người bán vé số, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Phan Kiều Thanh Hương cho biết, trong những ngày đầu tháng 8, thành phố Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã phải đối mặt với đại dịch Covid-19 bùng phát với mức độ nguy hại và lan rộng chưa từng có trong lịch sử, trong đó Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam được coi là “tâm dịch”, đại dịch gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế, xã hội của đất nước. Buổi họp mặt để ghi nhận, tri ân 30 y, bác sĩ, điều dưỡng đã xung phong tham gia tiếp ứng, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam, cũng như sự hy sinh thầm lặng của những y, bác sĩ, cán bộ y tế, cán bộ chiến sĩ, tình nguyện viên đã ngày đêm nỗ lực không mệt mỏi, gắng sức chiến đấu vì sức khỏe nhân dân và sự bình yên của người dân.

Tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng biểu dương những nghĩa cử thầm lặng của các cán bộ y tế trong đó có các anh chị em phục vụ ở khu cách ly, những người tham gia lấy mẫu ở trong các phòng xét nghiệm vào những thời khắc dịch đang ở cao điểm đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Khi nào hết dịch mới về. Có thể nói tinh thần hỗ trợ cho các địa phương bạn rất cao. Chúng tôi nghĩ rằng việc hỗ trợ, giúp cho địa phương bạn về một số chuyên khoa mà TP có thế mạnh cũng như tăng cường lực lượng cán bộ y tế trong lúc cao điểm của dịch bệnh đồng thời góp phần để bảo vệ TP. Nếu chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh Đà Nẵng – một địa phương có nhiều người đến thì đầu mối giao lưu của TP cũng hạn chế bớt những mầm bệnh”, ông Nguyễn Hữu Hưng nói. 

Có một điều ít ai biết, tham gia vào vùng dịch khi miền Trung đang là mùa hè, lúc này thời tiết rất nắng, nóng. Bên cạnh sự nguy hiểm phải đối mặt, y bác sĩ phải xa gia đình, người thân, phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt.

Bác sỹ  trẻ Trần Hữu Chinh – Khoa tim mạch – Bệnh Viện Chợ Rẫy, năm nay anh 30 tuổi, người xung phong đi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid -19 tại Đà Nẵng chia sẻ, vừa nhận nhiệm vụ chưa đầy 3 tiếng đồng hồ là anh cùng với một số các y bác sĩ nhanh chóng lên đường đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để chăm sóc cho những bệnh nhân nặng ở đây. 

“Mặc những bộ đồ bảo hộ rất kín, các bác sỹ phải làm thủ thuật liên tục từ 4 đến 6 tiếng đồng hồ. Mồ hôi ướt đẫm, nóng nực khiến việc làm thủ thuật cũng khó khăn hơn. Khi cởi bộ đồ bảo hộ thì da khô và nhăn vì thiếu nước. Ở đó khó nhận diện được ai là bác sỹ, ai là điều dưỡng, phải ghi tên lên trên người. Mỗi lần xong mới ra tắm rửa, thay đồ ăn cơm và uống nước, xong vào mặc đồ làm tiếp. Thường buổi sáng làm từ 7 giờ 30 đến 9, 10 giờ đêm. Làm liên tục, không nghỉ. Thứ 7, chủ nhật cũng làm liên tục luôn” - bác sĩ trẻ Trần Hữu Chinh chia sẻ.

Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Thanh Linh – Phó Trưởng khoa hồi sức – Bệnh viện Chợ Rẫy
Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Thanh Linh – Phó Trưởng khoa hồi sức – Bệnh viện Chợ Rẫy 

Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Thanh Linh – Phó Trưởng khoa hồi sức – Bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại, làm việc trong môi trường không có máy lạnh, nguy cơ lây nhiễm cao nên phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, khi có sự động viên ủng hộ từ lãnh đạo TP và sự chia sẻ, quan tâm từ gia đình đây là động lực rất lớn để annh và các nhân viên y tế xông pha ra tuyến đầu, cống hiến cho cộng đồng:

Những lúc như thế này, những người làm y tế như mình vẫn tiếp tục xông pha và cống hiến để mang lại sự an toàn cho cộng đồng, xã hội và cho sức khỏe của toàn thể nhân dân. Nếu ai đã từng mặc bộ đồ phòng hộ trong thời tiết khắc nghiệt sẽ hiểu. Chỉ cần mặc vào 5 phút thôi là đã ướt hết quần áo bên trong. Đặc biệt là không thể mở khẩu trang và quần áo phòng hộ ra để mà uống nước được”.

Mặc dù hai con còn nhỏ, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ mới 10 tháng tuổi nhưng vừa nhận được thông tin từ Sở Y tế Thành phố yêu cầu huy động lực lượng y bác sỹ ra hỗ trợ cho tuyến đầu là Thành phố Đà Nẵng, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phú Quốc – Bệnh Viện 115 không kịp từ biệt vợ con mà lên đường ngay: “Người thì ướt đẫm mồ hôi, muốn đi vệ sinh hay làm gì cũng khó. Nguy cơ lây nhiễm cao, vì vậy mọi người đều phải cẩn thận. Bệnh nhân là những người phải cách ly, không có người chăm sóc. Vì vậy, các nhân viên y tế cũng hết sức tận tình chăm sóc chu đáo cho họ. Mỗi ngày sau tan ca thì về khu cách ly cũng chỉ một mình đối diện với 4 bức tường”.

Với những y, bác sĩ được đề cập ở trên, họ là những người trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân, là những người đi đầu trong trận chiến, xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ cán bộ y tế đã vượt lên trên những khó khăn, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh, ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Dịp này, Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố trích gần 1,4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí 6,8 tỷ đồng ủng hộ từ ê-kíp thực hiện chương trình Talkshow tương tác cùng Nghệ sĩ với chủ đề “Cảm ơn những tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid – 19” để hỗ trợ y, bác sĩ, viên chức ngành y tế và lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phòng, chống dịch Covid-19; 30 y, bác sĩ tham gia tiếp ứng chăm sóc, điều trị người bệnh covid-19 tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Xem thêm: