Tân binh đã biết về Luật NVQS mới?

(VOH) - Từ ngày 1/1/2016, Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 19/6/2015 có hiệu lực thi hành và thay thế Luật Nghĩa vụ quân sự 1981, Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi 1990, sửa đổi 1998 và sửa đổi 2005.

Tham niên tại ngày hội tòng quân. Ảnh: TNO

Dưới đây là những quy định mới trong Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 so với trước đây và sẽ được áp dụng cho mùa tòng quân 2016 này:

Thời gian tại ngũ:

Trong thời bình là 24 tháng (trước đây quy định thời gian này là 18 tháng). Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian tại ngũ, nhưng không quá 6 tháng. Trong chiến tranh hay tình trạng quốc phòng khẩn cấp sẽ thực hiện theo lệnh tổng động viên hay động viên cục bộ.

Quyền lợi của quân nhân khi tại ngũ:

Theo quy định tại Điều 50, quân nhân khi tại ngũ được hưởng các quyền lợi sau: Được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh. Được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hằng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội; được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ, tết. Được Nhà nước bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn.

Từ tháng thứ 13 trở đi được nghỉ phép.

Từ tháng thứ 25 trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hằng tháng. Được tính nhân khẩu trong gia đình khi gia đình được cấp hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác. Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác. Được ưu đãi về bưu phí. Có thành tích trong chiến đấu, công tác, huấn luyện được khen thưởng.

Trong trường hợp bị thương, bị bệnh khi làm nhiệm vụ thì được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật. Được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; khi ốm đau dài ngày được hưởng chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất. Được tạm hoãn trả khoản nợ vay để học tập theo quy định của Chính phủ.

Quyền lợi khi xuất ngũ:

Cũng theo Điều 50, quân nhân khi xuất ngũ được hưởng các quyền lợi sau: Được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ.

Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó. Được trợ cấp tạo việc làm. Được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên trong tuyển sinh, cộng điểm trong thi tuyển công chức, viên chức và sắp xếp việc làm.

Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương tương xứng với vị trí việc làm, tiền lương trước khi nhập ngũ. Nếu cơ quan, tổ chức cũ đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết việc làm.

Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế khi xuất ngũ tổ chức kinh tế đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm, tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ.

Trước khi nhập ngũ đã tốt nghiệp tại trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học chưa được sắp xếp, bố trí công tác thì khi xuất ngũ được ưu tiên sắp xếp, bố trí công tác và trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo;

Quyền lợi đối với thân nhân:

Theo quy định tại Điều 50, thân nhân của quân nhân tại ngũ được hưởng quyền lợi như sau: Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp khó khăn do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn học phí khi học ở cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí. Trường hợp hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật. Trong thời chiến bố, mẹ, vợ, chồng, con được hưởng chế độ ưu đãi riêng.

Ngoài ra, còn một số lưu ý khi trong Luật nghĩa vụ quân sự mới như sau:

1. Sinh viên Đại học được kéo dài tuổi NVQS đến hết 27 tuổi

Cụ thể, sinh viên đã được tạm hoãn NVQS vì lý do đang học Đại học, Cao đẳng thì độ tuổi tham gia NVQS từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi.

2. Tham gia nghĩa vụ công an được xem là tham gia NVQS

Công dân được công nhận hoàn thành NVQS tại ngũ trong thời bình khi thuộc một trong các trường hợp:

- Dân quân tự vệ (DQTV) nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia DQTV, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ DQTV thường trực.

- Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên.

- Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp Đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị.

- Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

3. Hàng năm, chỉ gọi nhập ngũ 01 lần vào tháng 02 hoặc tháng 03

Hiện nay, một năm có 2 đợt gọi nhập ngũ là tháng 02, 03 hoặc tháng 08, 09, từ năm 2016 trở đi, chỉ có 1 đợt gọi nhập ngũ là tháng 02 hoặc tháng 03.

Trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi nhập ngũ lần thứ 2. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ.

Quy định thời gian này cũng áp dụng cho việc gọi tham gia nghĩa vụ công an nhân dân.

4. Đã phạt tiền về việc trốn tránh NVQS mà còn tái phạm: Sẽ xử lý hình sự

- Không có mặt đúng thời gian, địa điểm kiểm tra khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe NVQS mà không có lý do chính đáng bị phạt tiền từ 800.000 – 1.200.000 đồng.

- Người khám sức khỏe làm sai lệch kết quả phân loại nhằm trốn tránh NVQS, hối lộ tiền hay lợi ích vật chất khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe NVQS, cán bộ, nhân viên y tế làm sai lệch yếu tố về sức khỏe bị phạt tiền từ 2 – 4 triệu đồng.

- Không có mặt đúng thời gian, địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng bị phạt tiền từ 1.5 – 2.5 triệu đồng.

Đã bị phạt tiền mà còn tái phạm, đối với công dân vi phạm sẽ bị phạt tù 3 tháng đến 5 năm tùy theo mức độ vi phạm.

Đối với cán bộ nếu đã bị phạt tiền mà còn tái phạm thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy theo mức độ vi phạm.