Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tăng cường giáo dục pháp luật cho người đang bị phạt tù

(VOH) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; giai đoạn 2018 - 2021.

Cụ thể, đề án áp dụng cho các đối tượng là người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ. Đề án được triển khai thực hiện tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở trợ giúp xã hội, các xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước từ năm 2018 đến năm 2021. 

Chủ thể chủ trì thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi của Đề án bao gồm Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc, Giám đốc cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở xã hội, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự các cấp, thủ trưởng đơn vị quân đội có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.  
Hình: Báo Chính phủ.
Đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật của Đề án gồm 3 nhóm:

 Nhóm 1- những đối tượng đang được quản lý, giáo dục, cải tạo tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ (sau đây gọi là cơ sở giam giữ), trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc gồm: Người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, người bị tạm giữ, tạm giam (đối tượng này tuy không thuộc phạm vi của Đề án nhưng liên quan đến việc triển khai Đề án tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ).

 Nhóm 2: Những đối tượng thuộc phạm vi quản lý của chính quyền địa phương, gồm: Người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người bị phạt tù được hưởng án treo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng bao gồm cả người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được đặc xá.

 Nhóm 3: Những đối tượng do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, gồm: Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội.

 Mục tiêu chung của Đề án nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho các đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật của Đề án; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các đối tượng nêu trên đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, góp phần phòng ngừa tội phạm, tái phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác do thiếu hiểu biết về pháp luật, hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi của Đề án tái hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả; đồng thời đảm bảo quyền được học tập, tìm hiểu pháp luật, được phổ biến các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, pháp luật hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính…

 Đề án đặt mục tiêu cụ thể là duy trì, đảm bảo 100% đối tượng là người đang chấp hành hình phạt tù, người bị tạm giữ, tạm giam, người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội thường xuyên được phổ biến và nắm được các quy định pháp luật cơ bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân nói chung, của đối tượng nói riêng, các hành vi bị nghiêm cấm, tác hại, trách nhiệm pháp lý khi vi phạm pháp luật và các quy định khác liên quan đến từng cá nhân đối tượng.

 Phấn đấu từ 90% trở lên đối tượng là người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người bị phạt tù được hưởng án treo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được đặc xá, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng được phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên biệt theo quy định của pháp luật.

 Đảm bảo 100% trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện, cơ sở trợ giúp xã hội lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào chương trình học pháp luật, giáo dục công dân, chương trình học văn hóa, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng của Đề án.

Đề án cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp như: Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án; tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về pháp luật của từng nhóm đối tượng; hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi của Đề án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Bình luận