Tăng cường hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

(VOH) - Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Ảnh minh họaNghị quyết nêu rõ: Thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bám sát yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực.

chống xâm hại trẻ em

Ảnh minh họa

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em còn một số hạn chế, bất cập. Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật khác có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Chế tài quy định trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe. Bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý. Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu bức thiết nhưng pháp luật quy định chưa đầy đủ, kịp thời...

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật

Từ những hạn chế nêu trên, Nghị quyết đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cụ thể, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chú trọng xem xét những vấn đề liên quan đến trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trong quá trình thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát thường xuyên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát thường xuyên đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ trong năm 2020, ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em. Chính phủ rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em cả về nội dung và hình thức, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, quan tâm đối với vùng dân tộc thiểu số; trong đó chú trọng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân...

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em; đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn quản lý mà không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý có hiệu quả hoặc vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; đầu tư, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động trợ giúp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành khác có liên quan biên soạn bộ tài liệu mẫu về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; định kỳ hằng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em; tiếp tục phát triển nghề công tác xã hội, đào tạo nhân viên công tác xã hội, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2020, ban hành Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh; chú trọng nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh trường nội trú, bán trú, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên trong phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng mạng internet an toàn, hiệu quả, lồng ghép nội dung này trong chương trình giáo dục tin học.

Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về xâm hại trẻ em đạt trên 95%; 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật; điều tra khám phá tội phạm xâm hại trẻ em đạt trên 80%, trong đó các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố; kiềm chế và kéo giảm từ 5% đến 7% các tội phạm xâm hại trẻ em...

Tăng cường thanh tra công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường công tác ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành, các nội dung, chương trình, kế hoạch về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; bảo đảm các trẻ em có nguy cơ xâm hại được áp dụng biện pháp hỗ trợ, các trẻ em bị xâm hại được áp dụng biện pháp can thiệp; trong đó, sớm quan tâm đối với nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại để phòng ngừa việc xảy ra hành vi xâm hại với nhóm trẻ em này.

Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; định kỳ hằng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em; ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em.

Bình luận