Chương trình do Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên giáo TW và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD), Trung liên kết hành động vì môi trường và phát triển CHANGE tổ chức ngày 5/1 tại TPHCM.
Thời gian gần đây, sau khi có những dấu hiệu liên quan giữa việc lây truyền virus Covid-19 từ động vật hoang dã sang người, nhiều quốc gia đã ban hành các quyết định mạnh mẽ nhằm chấm dứt nguồn lây, bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời bảo vệ động vật hoang dã.
Tại Việt Nam, ngày 23/7/2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg để đưa ra các biện pháp cấp bách để bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có điều khoản nghiên cứu, rà soát để xử lý hành vi tiêu thụ. Thực tế, từ 10 năm trước, Ban Tuyên giáo TW Đảng đã ban hành hướng dẫn 109-HD/BTGTW ngày 8/6/2010 về "Hướng dẫn các cấp ủy Đảng chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tuyên truyền thực hiện tiêu dùng bền vững động vật hoang dã". Ngoài ra các cấp lãnh đạo, ban ngành cũng có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến hướng dẫn này. Tuy nhiên tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã vẫn đáng báo động.
Cảnh báo về những hệ lụy có thể xảy ra, PGS-TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, có đến 70% các bệnh truyền nhiễm ở người hiện nay bắt nguồn từ động vật hoang dã. Do đó rất cần thiết phải có những biện pháp mạnh hơn để ngăn ngừa tình trạng này. Trong 50 năm trở lại đây, dịch bệnh lây truyền từ động vật qua người đang ngày càng nhiều hơn qua các hoạt động tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt...
Ở góc nhìn xã hội học, PGS-TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia xã hội cho rằng con người trong xã hội hiện đại đang có nhiều thói quen xấu trong tiêu dùng, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Đây là thói quen sẽ gây hại cho chính con người. Nhiều người vẫn có những niềm tin sai lệch từ việc sử dụng các sản phẩm như ngà voi, sừng tê sẽ đem đến may mắn, danh lợi, do đó phải chuyển hóa từ nhận thức, thái độ sang cách ứng xử của con người đối với động vật hoang dã.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng - Giám đốc Trung liên kết hành động vì môi trường và phát triển CHANGE Change cho rằng đại dịch Covid-19 là thời điểm để mọi người nhận thức được sự nguy hại của tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã. Nhiều đối tượng khác vẫn chưa có những thay đổi rõ rệt. Do đó cần có những quy định chế tài quyết liệt hơn.
Kết quả khảo sát tại 3 hội thảo tham vấn do Ban Tuyên Giáo TW tổ chức vào tháng 12/2020 cho thấy hầu hết cán bộ, đảng viên đã tiếp cận với các văn bản quy định về tiêu dùng, sử dụng động vật hoang dã. Có đến 90.4% đảng viên cho rằng cần thiết để nâng cấp thẩm quyền ban hành hướng dẫn mới hoặc đưa thêm chế tài để Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng vào quản lý động vật hoang dã để các cấp ủy Đảng và đảng viên thực hiện tốt nội dung chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ Tướng chính phủ.