Tăng kinh phí Trung ương đầu tư cho chương trình phòng chống AIDS

(VOH) - Tính đến tháng 6/2015, số người nhiễm HIV còn sống ở Việt Nam được báo cáo là trên 227.000 trường hợp, trong đó 71.000 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 74.400 người tử vong do AIDS. Trung bình mỗi năm có 12.000 - 14.000 ca nhiễm mới. HIV đã có mặt ở 100% tỉnh, thành phố, 99% quận, huyện và hơn 80% xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đang là rào cản lớn nhất khiến HIV vẫn còn lây lan. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu “90-90-90” vào năm 2020, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như kỳ vọng của Chính phủ. VOH trao đổi với ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống AIDS:

VOH – Thưa ông, ông cho biết những điểm nổi bật trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Trong những năm qua công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam thu được nhiều kết quả vì chúng ta đã khống chế và giảm được tốc độ lây lan của dịch. Trong 7 năm trở lại đây chúng ta đã đạt được cả 3 tiêu chí: giảm số nhiễm mới HIV/AIDS, nếu năm 2007 mỗi năm chúng ta phát hiện hơn 30.000 người nhiễm mới thì đến nay chỉ còn hơn 12.000, như vậy là chúng ta đã giảm được hơn một nửa số người nhiễm mới. Thứ hai là chúng ta giảm được cả số chuyển từ HIV sang AIDS và giảm cả số tử vong do AIDS và chúng ta đã đạt được chỉ tiêu của chiến lược quốc gia giảm số nhiễm trong cộng đồng dân cư xuống 0,3%.

VOH – Như ông vừa cho biết thì mặc dù chúng ta đã tiến hành nhiều hoạt động phòng chống AIDS và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn chưa giải quyết được dứt điểm. Vậy theo ông đâu là vấn đề làm cho tình trạng này vẫn còn tồn tại?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Kỳ thị và phân biệt đối xử là vấn đề của đại dịch HIV/AIDS, có thể kể một số nguyên nhân chính sau đây.  Thứ nhất đó là sự hiểu biết chưa đầy đủ của người dân về dịch HIV/AIDS, người ta quá sợ hãi với HIV/AIDS hoặc là những sự phòng vệ một cách quá mức cần thiết khi tiếp cận với những người nhiễm, mặc dù HIV/AIDS không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường như sống chung, làm việc chung, dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh, ngồi học chung thì không lây truyền.

Thứ hai là có một giai đoạn khá dài chúng ta tuyên truyền quá mạnh, quá sâu, dùng những hình ảnh đầu lâu, xương chéo, những hình ảnh tiêu cực về người nhiễm như gầy còm, lở loét. Tạo cái nhìn trong cộng đồng về người nhiễm, đặc biệt là nhiễm HIV vẫn chưa có vắc xin dự phòng, chưa có thuốc để điều trị đặc hiệu, những thuốc mà chúng ta sử dụng hiện nay để kéo dài tuổi thọ của người nhiễm.

Bên cạnh đó có một số đông trong nhóm người nhiễm là người nghiện ma túy, mại dâm cho nên người ta cũng kỳ thị.

Còn hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử đây là rào cản rất lớn đối với công tác phòng chống HIV/AIDS, bởi vì sự kỳ thị và phân biệt đối xử khiến người nhiễm và người có nguy cơ cao không được tiếp cận được với các dịch vụ xét nghiệm để biết tình trạng nhiễm của mình để điều trị sớm. Chính họ không biết tình trạng nhiễm của mình để dự phòng cho người thân của mình hoặc cho cộng đồng. Thứ hai việc điều trị muộn làm cho rút ngắn tuổi thọ và kéo theo rất nhiều bệnh tật và thực tế là rất nhiều trẻ không được đến trường. Nếu chúng ta điều trị sớm thì người nhiễm có thể sống trên 50 năm.

VOH – Như ông vừa nói thì chúng ta phải làm gì để giải quyết căn bản tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng thưa ông?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Để giải quyết vấn đề này trước hết là phải tuyên truyền, phổ biến các hướng dẫn, các quy định của nhà nước về pháp luật chống kỳ thị và phân biệt đối xử.

Thứ hai là nâng cao nhận thức của người dân để họ biết rằng HIV không lây qua tiếp xúc thông thường và việc không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm là một nghĩa vụ và trách nhiệm của họ.

 Thứ 3, chính cộng đồng người nhiễm phải dũng cảm, can đảm đương đầu với thực trạng, chính họ phải vươn lên làm những việc có ích tham gia vào các hoạt động phòng chống AIDS, tham gia các hoạt động kinh tế, XH để sản xuất ra của cải, vật chất không những cho họ mà còn tạo ra việc làm cho rất nhiều người từ mô hình của người nhiễm.

Chính sự tích cực của họ sẽ thay dần hình ảnh của họ trong mắt người khác và tạo sự đồng cảm nhìn nhận một cách tốt đẹp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang tiếp tục huy động và có sự tham gia của các cấp lãnh đạo, những người chức sắc, những nhân vật nổi tiếng tham gia vào các tiếp cận với người nhiễm cũng như chăm sóc hỗ trợ người nhiễm để tạo nên sự lan tỏa của cộng  đồng trong việc cả xã hội cùng tham gia công tác chống kỳ thị và phân biệt đối xử, hỗ trợ những người nhiễm HIV cũng là những người yếu thế, khó khăn trong XH.

VOH – Thực tế thì sắp tới đây viện trợ của các tổ chức quốc tế sẽ cắt giảm hoàn toàn do Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình. Vậy theo ông Việt Nam sẽ làm gì để vượt qua thách thức này, thưa ông?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Để giải quyết vấn đề khoảng thiếu hút kinh phí từ nguồn quốc tế thì Chính phủ đã có quyết định 1899 phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho người nhiễm HIV/AIDS đến năm 2020 thì chúng ta có những việc chính như sau:

Thứ nhất, tăng nguồn kinh phí từ Trung ương đầu tư cho chương trình phòng chống AIDS.  Thứ hai là giao cho các tỉnh, thành phố phê duyệt đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh, thành phố mình. Cho đến nay đã có 39 tỉnh, thành phố đã xây dựng và phê duyệt được kế hoạch này. Như năm nay, các tỉnh, thành phố cho ra khoảng 340 tỷ đồng.

Thứ ba là chúng ta sử dụng quỹ BHYT để thanh toán cho người nhiễm, thanh toán chi phí xét nghiệm, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội kể các thuốc ARV cũng sẽ được thanh toán – vìLuật BHYT đã cho phép. Mặt khác người nhiễm HIV phải mua thẻ BHYT và sử dụng thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh để được hưởng quyền lợi của họ. Còn một phần nữa đó là giải pháp xã hội hóa, tức là chúng ta cũng tiến tới thu phí một phần những hoạt động liên quan đến chăm sóc, điều trị cho người nhiễm như là xét nghiệm chẳng hạn.

Cám ơn ông!