Về giải pháp lâu dài, tỉnh Lâm Đồng giao các sở, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp để sớm khởi công tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, nhằm phá thế độc đạo qua đèo Bảo Lộc trên Quốc lộ 20.
Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Chính phủ với tỉnh Lâm Đồng ngày 31/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có ý kiến việc sớm đầu tư, hoàn chỉnh tuyến cao tốc này là cần thiết và cần phải quan tâm ưu tiên triển khai thực hiện để phá thế độc đạo qua đèo Bảo Lộc.
Từ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Giao thông Vận tải tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan kiểm tra rà soát, có ý kiến cụ thể về phương án thiết kế 2 dự án cao tốc này để thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu như phương án kết cấu mặt đường, nền đường;
Hệ thống thoát nước ngang, thoát nước dọc, cống thoát, hệ thống dẫn nước… nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập như ngập nước, lún nứt mặt đường… của một số tuyến cao tốc đang khai thác tại một số địa phương.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh mục đích sử dụng rừng đối với những vị trí điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; báo cáo UBND tỉnh xem xét, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giao Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư, đề xuất phương án khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án và các hồ sơ liên quan để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Tỉnh Lâm Đồng hiện đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, nhằm kết nối thành phố Đà Lạt với TPHCM hoàn toàn bằng tuyến đường cao tốc.
Dự kiến khởi công 2 dự án của tuyến đường cao tốc này vào tháng 9/2023.
Dự án xây dựng 2 đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là 2 đoạn cao tốc thuộc dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài 200km, nối liền trung tâm của tỉnh Lâm Đồng với TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hai đoạn cao tốc này đi qua các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140 km.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66 km, có 11 km đi trên địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và 55 km còn lại thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng. Vốn Nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư là 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động.
Đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương nối với đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, có chiều dài khoảng 74 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước tham gia 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư là 11.760 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng.
Điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bảo Lộc (điểm cuối của Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc); điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương – Prenn thuộc thị trấn Liên Nghĩa huyện Đức Trọng.