Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững: Những thách thức và động lực mới

(VOH) - Ngày 11/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với chủ đề "Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững: Những thách thức"

Phát biểu tại phiên đối thoại chính sách trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là diễn đàn hết sức quan trọng để những người làm chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng thẳng thắn trao đổi ý kiến, chia sẻ quan điểm, đề xuất các giải pháp giúp Chính phủ tháo gỡ những nút thắt và thúc đẩy các động lực tăng trưởng để đạt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên đối thoại .

Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, gửi các bộ, ngành chức năng để nghiên cứu, phục vụ thực tiễn chỉ đạo điều hành. Chính phủ cần những đề xuất cụ thể để có thể đưa vào cuộc sống.

 Thủ tướng cho biết, năm 2017, Việt Nam tăng trưởng 6,81%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất châu Á và toàn cầu. Đồng thời cải cách kinh tế được đẩy mạnh, tăng cường công khai minh bạch và phòng chống tham nhũng. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công bằng. Qua đó, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra một sinh khí mới cho nền kinh tế. “Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong trung và dài hạn. Trong đó một thách thức quan trọng là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, nhờ đó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng nói.

Đó là tăng trưởng phải ở cận trên mức chỉ tiêu Quốc hội thông qua, đạt 6,7%. Chất lượng tăng trưởng phải nâng lên, năng suất lao động xã hội phải cao hơn hẳn, các chỉ số môi trường phải được cải thiện rõ rệt hơn; xã hội yên bình, an ninh an toàn hơn. Mọi người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế phải có cuộc sống tốt hơn cả vật chất và tinh thần. Nền kinh tế phải có khả năng chống chịu cao hơn với những biến động lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta không được chủ quan và thỏa mãn với kết quả đạt được; không được phép để quán tính cỗ máy phát triển dừng lại. Trong thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo. Cần nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng của nước ta chỉ kéo dài thêm khoảng 2 thập kỷ nữa và áp lực quốc tế ngày một gay gắt hơn.

“Câu hỏi rất hay và quan trọng là làm thế nào để Việt Nam vừa tăng trưởng kinh tế nhanh, vừa bền vững. Đây là hai mục tiêu có thể mâu thuẫn với nhau, một số nước xung quanh ta đã đạt được như Nhật Bản, Hàn Quốc… Vậy hỏi phải làm gì để đạt được cả hai mục tiêu có vẻ như mâu thuẫn này? Ở Việt Nam cần thực hiện hai mục tiêu này như thế nào”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại biểu tại Diễn đàn đã trao đổi thảo luận thẳng thắn, chia sẻ quan điểm sâu sắc về những bài học kinh nghiệm, những mô hình phát triển và động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, từ đó giúp Đảng và Chính phủ tìm ra những sáng kiến, những chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn sắp đến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu.

Sau phát biểu, Thủ tướng đã cuộc đối thoại với các đại biểu. Trước câu hỏi của TS. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright) về điều gì mà Thủ tướng tâm đắc nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Theo Thủ tướng, điều tâm đắc là năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá tăng 5 bậc trong năm 2017. Môi trường đầu tư kinh doanh tăng 14 bậc. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc và chỉ số tín nhiệm đối với hệ thống ngân hàng từ mức “ổn định” lên “tích cực”. Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á. Chỉ số phát triển bền vững ở Việt Nam tăng 20 bậc.

Trước câu hỏi về các giải pháp, quyết sách tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm mà tác giả Robinson đưa ra trong tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại” là “thể chế, thể chế và thể chế”. Thể chế phải làm sao thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nhanh và bền vững.