Hiện khu công nghệ cao thực sự là điểm đến cho các nhà đầu tư công nghệ mới qua hai phương thức: chuyển giao công nghệ và sáng tạo sản phẩm. Tốc độ sản xuất công nghiệp bình quân tại đây khoảng 80%/năm, vượt xa tốc độ GRDP 8%/năm của thành phố. Một số doanh nghiệp có sản phẩm đạt giá trị gia tăng trên 35% như: Nanogen, FPT, Digisensor. Trung bình ước tính giá trị gia tăng của các giá trị sản xuất tại khu công nghệ cao đạt 28%, góp phần giải quyết việc làm cho gần 37.000 người trong và ngoài nước.
Được TP.HCM quan tâm dành diện tích đầu tư 21.000 hecta với gần 900.000 dân, hiện tổng vốn đầu tư gần 7 tỉ đô la Mỹ và gần 37.000 lao động, trong đó có 7.000 kỹ sư; Khu các trường đại học với 4.000 giảng viên; Các khu công nghiệp đã và đang hình thành; Khu đô thị Thủ Thiêm, tương lai là trung tâm hành chính của TP.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá Khu Công nghệ cao TP là mô hình thu hút hiệu quả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, lan tỏa và thúc đẩy phát triển khu công nghệ cho các tỉnh thành khác trên cả nước. Điều này minh chứng cho và tầm nhìn đúng đắn, sáng tạo, tiên phong để TP.HCM trở thành một trong những trung tâm khoa học, công nghệ cao của cả nước.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP cần phối hợp với các sở ngành và các trường đại học để nghiên cứu đề xuất TP hình thành thêm một khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố trên ba địa bàn quận 2, 9 và Thủ Đức.
“Rà soát lại khu phía Đông Thành phố gồm 3 quận, cần thực hiện sớm theo tinh thần hình thành khu có đặc thù nghiên cứu, giảng dạy ở đây. Trong đó, hình thành thêm khu công nghệ cao ở vùng này nữa, hình thành cụm, chuỗi, khu công nghệ cao có nhiều địa điểm. Đồng thời, liên kết với các đại học quốc gia hình thành khu đô thị khoa học” – Bí thư Nhân yêu cầu.
Qua 15 năm phát triển, đến nay Khu Công nghệ cao đã có 127 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 6,7 tỉ đô la Mỹ. Khu Công nghệ cao thu hút hơn 10 tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ như Intel, Microsoft, Nidec, FPT, Samsung... Dự kiến năm 2017 sẽ thu hút khoảng 30 dự án công nghệ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 780 triệu đô la Mỹ.
Tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và bày tỏ vui mừng, tự hào về thành tựu 15 năm của Khu Công nghệ cao TP.HCM. Theo Thủ tướng, đây là khu công nghệ cao dẫn đầu cả nước, bước đầu hình thành mô hình đô thị khoa học tạo sự lan tỏa của TP và cả nước, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đến đầu tư như Intel, Microsoft, Nidec, Samsung... Thủ tướng đánh giá tại đây, cứ một đồng vốn đầu tư cho công nghệ cao đã thu hút 21 đồng vốn khác cùng tham gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Khu CNC. Ảnh: VPCP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu cần xác định Khoa học công nghệ là chính sách hàng đầu và là động lực quan trọng nhất, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cần đổi mới tư duy, năng động hơn, có tầm nhìn theo kịp xu thế của thời đại, phấn đấu trở thành một thung lũng Silicon của khu vực, thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu về khoa học công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh, vườn ươm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao góp phần đưa TP.HCM trở thành đô thị thông minh đầu tiên của nước ta.
Thủ tướng cũng đề nghị Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cần rà soát đánh giá lại các dự án đầu tư, chỉ cấp phép cho các dự án đạt được yêu cầu về công nghệ cao, có năng lực, tài chính, đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả quả và đúng mục đích; phối hợp tốt với Đại học Quốc gia TP.HCM và các trường đại học, các viện nghiên cứu để hình thành khu đô thị khoa học trong thành phố, sớm đưa TP.HCM trở thành trung tâm lớn khoa học công nghệ của khu vực.