Chờ...

TBT Tô Lâm: Tạo đột phá thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn

HÀ NỘI - Tổng Bí thư cho biết Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn.

Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Tổng Bí thư Tô Lâm - Ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm - Ảnh: TTO

Phát biểu kết thúc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ câu hỏi lớn được đặt ra là chúng ta đã có đủ thế và lực, ý chí, quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? và cho rằng câu trả lời đã được nêu ra là đủ.

Một vấn đề khác được Tổng Bí thư nêu hiện nay đã là thời điểm, thời cơ, sự cấp thiết, sự đòi hỏi tất yếu khách quan của cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa.

"Câu trả lời là không thể chậm trễ hơn nữa", ông nêu rõ và quán triệt 3 nội dung quan trọng.

Phải quyết đoán, bứt phá, vượt lên chính mình

Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình.

Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030, và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo.

"Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải giải. Chỉ có phép giải rút gọn mới ra được đáp số kịp thời", ông nói nêu rõ và nhấn mạnh không đổi mục tiêu nên điều quan trọng cần quyết tâm, nỗ lực, thống nhất để đạt mục tiêu.

Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.

Cùng với đó đổi mới thể chế không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật.

Phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân", "hành doanh nghiệp", có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…

Tổng Bí thư nhấn mạnh bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...

Bên cạnh đó việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.

Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.

Nhấn mạnh "không để cơ quan nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém", Tổng Bí thư cho biết Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn (trừ những trường hợp thật sự cần thiết).

Việc tuyển công chức cũng được tạm dừng từ ngày 1/12/2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của trung ương, theo chủ trương của Bộ Chính trị.

Cán bộ nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm

Vấn đề thứ hai Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến liên quan Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các văn kiện trình đại hội, Tổng Bí thư cho rằng văn kiện để trình Đại hội XIV phải bám sát hơi thở cuộc sống, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Cùng với đó, phải trở thành "sách giáo khoa", thành "từ điển" để khi cần thì "tra" vào đó và sẽ thấy ngay "ánh sáng soi đường".

Tổng Bí thư yêu cầu cấp ủy các cấp cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để "nâng mình lên" đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước, nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm.

Ông nhấn mạnh phải hết sức lưu ý khắc phục những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước đại hội.

Như tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hữu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích...

Phải chịu đau để "phẫu thuật khối u"

Về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước.

Theo ông, đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Dù đã chuẩn bị kỹ và bài bản nhưng chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản quyết liệt.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhấn mạnh vẫn phải tiến hành, vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u".

"Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị", ông nêu rõ.

Ông đề nghị các lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng".

Tổng Bí thư nêu yêu cầu từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12/2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý 1/2025.

Trong triển khai thực hiện, dù khẩn trương nhưng Tổng Bí thư nhắc cần bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài... để đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy tối ưu nhất.

Tổng Bí thư quán triệt nguyên tắc thực hiện một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực.

Các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu, cũng phải rà soát đề xuất sắp xếp lại bên trong; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian.

Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống lãng phí.