Tạo sự ổn định cao hơn của biểu thuế, phù hợp với xu hướng hội nhập

(VOH) - Trong phiên làm việc toàn thể tại Hội trường sáng nay 21/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình về dự án Luật xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Toàn cảnh kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: ĐCSVN

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Qua 10 năm thực hiện, Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (xuất nhập khẩu) đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế -xã hội của đất nước và đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành Luật.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, Luật hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung. Một số nội dung quy định tại Luật không còn phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật nói chung và một số luật liên quan như Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường,… và thực tiễn xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa những năm gần đây.

Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời, khắc phục các vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật thuế xuất, nhập khẩu thời gian qua, nhất là đối với các quy định về: đối tượng không chịu thuế, khung thuế suất, mức thuế suất, thời hạn nộp thuế và địa bàn, lĩnh vực cần được khuyến khích phát triển trên cơ sở thực hiện chính sách ưu đãi như miễn thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội, tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật thuế xuất nhập khẩu để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. 10 năm thực hiện, Luật thuế xuất nhập khẩu đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với việc ban hành Hiến pháp năm 2013, các luật chuyên ngành đã có nhiều điều chỉnh, thay đổi, do đó cần thiết phải sửa đổi Luật thuế xuất nhập khẩu để bảo đảm thống nhất,... Việc sửa đổi Luật thuế xuất nhập khẩu sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản, không phân biệt đối xử, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cho rằng.

Một số ý kiến đánh giá, dự thảo Luật có khá nhiều điều, khoản giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành quy định chi tiết, như: Biểu thuế suất; giá tính thuế; thẩm quyền ban hành biểu thuế, mức thuế; Danh mục hàng hóa miễn thuế,...

Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần rà soát các điều, khoản để quy định cụ thể và chi tiết ngay trong Luật. Trên cơ sở cơ bản nhất trí với nhóm đối tượng chịu thuế, không chịu thuế được quy định trong dự thảo luật, nhiều ý kiến băn khoăn việc quy định chi tiết đối tượng chịu thuế và không chịu thuế như dự thảo luật có thể không bao quát được đầy đủ những trường hợp phát sinh trong thực tiễn. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung đầy đủ các đối tượng chịu thuế và không chịu thuế vào dự thảo luật.

Dự thảo Luật thuế xuất, nhập khẩu (sửa đổi) gồm 22 Điều, được bố cục thành 5 Chương và dự kiến sẽ có hiệu hiệu thi hành từ ngày 1/7/2016.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật kế toán (sửa đổi), các đại biểu tiếp tục thảo luận và cho ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Luật này.