Nghị quyết đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp cho mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Nghị quyết chỉ ra nhiều hạn chế cần khắc phục đối với du lịch, như hành lang pháp lý cho đầu tư, phát triển du lịch chưa đột phá, chiến lược thị trường chưa linh hoạt, sản phẩm du lịch không đa dạng.
Các dịch vụ chưa kết nối để tạo thành hệ sinh thái kinh tế du lịch. Hệ thống hạ tầng còn thiếu, không đồng bộ. Chính sách thị thực cũng được đánh giá chưa hợp lý, thời gian lưu trú ngắn.
Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, Kế hoạch Đầu tư, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng…thực hiện một loạt giải pháp khắc phục.
Cơ cấu lại ngành du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững được đặt lên hàng đầu. Ngoài thúc đẩy thị trường nội địa, cần đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao.
Nghị quyết cũng yêu cầu hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi xuất nhập cảnh, đi lại cho khách quốc tế, nghiên cứu mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (e-visa).
Về sản phẩm du lịch, chính phủ yêu cầu tập trung vào các khu du lịch quốc gia, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch qua các hoạt động ngoại giao, sự kiện quốc tế.
Các doanh nghiệp du lịch cũng sẽ được hỗ trợ như về vốn vay, tín dụng, giá điện.
Bộ Giao thông vận tải triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy và tạo thuận lợi hơn nữa cho các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 650 ngàn tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với 2022 và bằng 86% so với trước dịch. 4 tháng đầu năm có 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đạt 46% so với mục tiêu.