Tết phải về quê hẳn là Tết đoàn viên trọn vẹn?
Vấn đề đối thoại khó phân định đúng sai mà tuỳ thuộc quan niệm của mỗi người.
Nhưng có một điều khá rõ, khái niệm Tết có lẽ đã thay đổi nhiều trong ký ức của diễn biến tâm lý các thế hệ. Đó là thực tế.
Ngày xưa Tết gắn liền với những nét văn hoá truyền thống từ tục xông đất, chúc Tết, tục cúng kiếng, kiêng cữ ngày đầu năm cho đến không khí nấu bánh, làm mứt, dựng nêu, lễ chùa…
![[Bài Tết Anh Vinh] Tết phải về quê có hẳn là Tết đoàn viên trọn vẹn? 1](https://cdnx.voh.com.vn/voh/Image/2023/01/18/IMG-2753-tro-ve-que.jpg)
Ngày nay Tết được giới trẻ cảm nhận khác hơn. Đó như là mùa lễ hội đặc biệt, được nghỉ học, nghỉ làm để hẹn hò du lịch, tụ tập giao thừa xem pháo hoa, để diện đồ chụp hình xuống phố, hội hoa Xuân post facebook, hoặc cũng chỉ đơn giản là hẹn hò trà sữa tận hưởng không khí thoải mái đầu Xuân.
Tết được hiểu là những gì gắn liền với cuộc sống thường nhật và quan niệm sống hiện đại của giới trẻ với những nét văn hoá giao thoa rộng mở.
Văn hoá không có đúng sai mà chỉ là ký ức, cảm nhận của mỗi người, mỗi lứa thế nào thì sẽ cho đó là đúng, mà ký ức và cảm nhận của thế hệ khác nhau thông thường là không giống nhau.
Vì vậy văn hóa truyền thống cũng cần được hiểu ở góc độ cảm nhận vẻ đẹp nhân văn, sự gần gũi, gắn bó, mang ý nghĩa thật sự đối với người thụ hưởng.
Đoàn viên cũng cần hiểu theo một nghĩa rộng hơn ở thời 4.0.

Ngày xưa đoàn viên được hiểu là phải về sát cạnh bên nhau, cùng ngồi chung quây quần bên mâm cỗ Tết, đi vòng chúc Tết bà con, chòm xóm.
Với 4.0, khoảng cách không gian được thu hẹp bởi công nghệ thế giới phẳng. Nhiều người già, ở quê cũng đã cảm nhận được điều này trong cuộc sống hàng ngày qua những cuộc video phone con cháu vẫn thường gọi về cho ông bà, cha mẹ. Dù ở xa về không gian nhưng đã được tận mắt chứng kiến cuộc sống của nhau như hiện ra rất gần thường trực trước mắt nhờ công nghệ số.
Mọi khái niệm nhớ nhung, đoàn viên, xa gần có lẽ không còn quá khắt khe, khắc nghiệt như trước.
Tết đoàn viên cũng cần được mở rộng và chuyển dịch khái niệm phù hợp với thời đại, với từng thế hệ, từng nhóm đối tượng sao cho đoàn viên thật sự ý nghĩa.
Người già ở quê phải lên thành phố ăn Tết có lẽ không hoặc ít xảy ra trong thực tế bởi Tết với họ đã gắn với nét Tết truyền thống ghi đậm trong ký ức. Giới trẻ đang sống ở đô thị bắt phải về quê ăn Tết khi mọi thứ bối cảnh khác biệt không hiện trong ký ức của họ thì thật sự cũng chưa hẳn ý nghĩa với Tết đoàn viên, mà chỉ là tụ về.
Thế hệ chúng ta Tết truyền thống gắn liền với ký ức gói bánh, làm mứt, hội hè, thăm viếng, chúc Tết, quây quần mâm cỗ Tết.
Còn giới trẻ có lẽ Tết với họ đã gắn với giao thừa đi xem pháo hoa, mùng 1 hẹn nhau trà sữa, đi chụp hình tự sướng tại các địa điểm thu hút đông người với những cảnh trí xuân…để đăng facebook, để cảm nhận cuộc sống hiện đại thời 4.0.
![[Bài Tết Anh Vinh] Tết phải về quê có hẳn là Tết đoàn viên trọn vẹn? 3](https://cdnx.voh.com.vn/voh/Image/2023/01/18/pexels-helena-lopes-697244.jpg)
Nghĩ cảnh giới trẻ phải về quê ăn Tết với những nét sinh hoạt rất khác với nhịp sống Tết trong ký ức của họ, phải ru rú trong nhà “nửa quê nửa thành thị”, có lẽ là điều mà người lớn cũng nên suy nghĩ.
Làm mới cái Tết xưa ở quê không dễ được ủng hộ bởi vẫn nghĩ phải giữ những nét xưa cũ truyền thống; nhưng bắt giới trẻ phải chấp nhận sống với cái Tết truyền thống theo ký ức người lớn có thể vô tình làm mất đi những ngày Tết ý nghĩa của họ, bởi với tâm lý con người thì không thể đồng nhất được.
Với người này là giá trị, là ý nghĩa truyền thống, là văn hoá đích thực…nhưng với thế hệ khác có thể sẽ khó cảm nhận vậy khi tâm trí họ không hề có những ký ức đó.
Người ta ai cũng gắn bó và ôm ấp những giá trị trong ký ức, có điều ký ức đó ở mỗi thế hệ là khác nhau.
Chúng ta háo hức về quê ăn Tết đoàn viên là hiển nhiên của sự tìm về ký ức, nhưng làm sao để giới trẻ cũng hứng thú hoặc ít ra cũng cảm nhận được giá trị vui đón Tết quê chứ không chỉ đơn thuần là những ý niệm áp đặt - Tết truyền thống. Không hẳn giới trẻ xa rời Tết truyền thống mà chỉ là ký ức cảm nhận và sự thụ hưởng.
Tết truyền thống, đoàn viên là tất yếu bởi đó là nhu cầu tinh thần trong giao tiếp của con người dù già hay trẻ. Chỉ có điều, làm sao để Tết truyền thống, Tết đoàn viên phải gắn kết được ký ức và hiện thực sống giữa các thế hệ ông-bà-cháu, để Tết quê hay Tết thành phố, Tết xưa hay Tết nay, đều là cái Tết thật sự ý nghĩa trong đời sống văn hoá rộng mở.