Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Anh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị. Hội nghị còn có sự tham gia của ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM; ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM.
Trước khi thảo luận, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, đề án chính quyền đô thị được Thành phố Hồ Chí Minh ấp ủ từ năm 2007 và được tiếp tục điều chỉnh bổ sung vào năm 2013. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các cơ sở pháp lý chưa thật vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai được. Hiện nay, trên cơ sở các quy định hiện hành đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho các nội dung trong Đề án chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Đà Nẵng - đây là một tiền đề hết sức có ý nghĩa quan trọng để thành phố đề xuất Quốc hội cho phép được tổ chức chính quyền đô thị, trong đó nội dung trọng tâm là không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường tại Thành phố Hồ Chí Minh. "Đề án và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng trên cơ sở pháp lý là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong quá trình xây dựng đề án và dự thảo nghị quyết của Quốc hội, thành phố đã khảo sát, đánh giá nhiều chiều, tổ chức nhiều cuộc họp và đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và cả các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các chuyên gia nhà khoa học để giúp cho đề án được hoàn thiện kịp thời chất lượng và đúng quy định", ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.
Tại Hội nghị thẩm định Đề án Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM do Bộ Nội vụ tổ chức trước đó, 100% đại biểu được lấy ý kiến đã thống nhất với nội dung của đề án và dự thảo nghị quyết Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết gồm 14 điều, trong đó quy định cụ thể về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh; đề xuất, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh khi được thành lập và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận, UBND phường từ ngày 1 tháng 7 năm 2021. Theo ông Nguyễn Thành Phong, bên cạnh mục tiêu tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết được Quốc hội ban hành sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. "Kết quả thực hiện chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần cung cấp thêm các cơ sở thực tiễn để hoàn thiện chủ trương pháp lý về xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả lý hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và của chính quyền địa phương nói riêng", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Thảo luận tại hội nghị, các cơ quan thẩm định đã cho ý kiến về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn, nhiệm vụ, thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận, phường khi không có HĐND. Liên quan đến điều kiện nguồn nhân lực và tài chính để đảm bảo thi hành Nghị quyết, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết: "Đánh giá tác động những đồng chí đang ở cương vị đó không làm nữa thì làm gì? Nguồn nhân lực cho những đồng chí mới bây giờ, những người chỉ có đảm đương nhiệm vụ chỉ có UBND mà không có HĐND thì liệu có đảm đương được không? Chúng tôi đề nghị bổ sung".
Trong khi đó, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng nhất trí cao với nội dung đề án.
Kết thúc buổi làm việc, sau khi xin ý kiến các cơ quan thẩm định, Hội đồng nhất trí thông qua Đề án Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.