Thắm đượm tình quân nhân từ một mô hình ý nghĩa

(VOH) - Hội Cựu chiến binh TP vừa ra mắt Câu lạc bộ cựu chiến binh - cựu quân nhân làm kinh tế thành phố. Đây là kết quả của quá trình 5 năm xây dựng và phát triển mô hình ở các quận - huyện và thu được những tín hiệu hết sức tích cực.

Trung tướng Lê Thành Tâm, Chủ tịch Hội CCB TP.HCM tặng kinh phí hỗ trợ vốn cho Hội CCB các huyện ngoại thành tại lễ ra mắt Câu lạc bộ Cựu chiến binh - Cựu quân nhân làm kinh tế. Ảnh: QK7

Đến quận 12 - một trong những quận có CLB cựu chiến binh - cựu quân nhân làm kinh tế điển hình, chúng tôi được tìm hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của CLB này. Với 80 hội viên, để sinh hoạt CLB sớm đi vào nề nếp ổn định, Ban Chủ nhiệm đã đề ra quy chế tổ chức, phương thức hoạt động hẳn hoi và được 100% hội viên tán thành. Thông qua sinh hoạt CLB định kỳ hàng quý, các hội viên có dịp gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất kinh doanh lẫn nhau theo từng nhóm ngành, nghề. Nếu không cùng nhóm thì cũng học hỏi được nhiều điều bổ ích khác như trong kinh nghiệm làm ăn, trong giao tế với đối tác, trong việc giúp đỡ hội viên chưa quen việc sản xuất - kinh doanh làm kinh tế gia đình...

Ông Vũ Đức Tính - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 12, Chủ nhiệm CLB cựu chiến binh - cựu quân nhân làm kinh tế của quận, cho hay: "Mục đích của CLB, thứ nhất là đại diện bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên. Thứ hai là phát huy bản chất truyền thống bộ đội cụ Hồ trên mặt trận kinh tế; chủ động hợp tác, đoàn kết tương trợ giúp nhau trong làm kinh tế, sản xuất và kinh doanh; tạo việc làm cho con em hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân. Thứ ba là tạo điều kiện cho các thành viên gặp gỡ, giao lưu thông tin về các vấn đề có liên quan đền sản xuất, thương mại, dịch vụ. Thứ 4 là kết hợp tham gia một số phong trào hội với CLB để giúp tăng hộ khá, giảm hộ nghèo của cựu chiến binh và ở địa phương một cách bền vững".

Trong số 80 hội viên CLB, có người làm giám đốc công ty TNHH với quy mô sản xuất - kinh doanh vừa và lớn; có người là chủ cơ sở sản xuất gia đình hoặc buôn bán nhỏ, lẻ; có người là chủ nhân những dãy phòng trọ cho thuê... Chính vì mang tính đa dạng, đa ngành nghề nên khi tham gia sinh hoạt CLB, các cán bộ, hội viên cựu chiến binh dễ tạo nên tiếng nói chung để liên kết làm ăn, để đoàn kết cùng nhau phát triển mọi mặt, đưa kinh tế gia đình và kinh tế địa phương ngày thêm khởi sắc và vững mạnh. Từ đó, các hội viên CLB càng thêm tích cực tham gia công tác từ thiện - xã hội, tham gia góp phần xóa nghèo tăng hộ khá tại địa phương, nhất là hết lòng, hết sức quan tâm giúp đỡ những hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện, cơ hội cho con em hội viên có thêm công ăn việc làm khi khuếch trương, mở rộng phạm vi sản xuất - kinh doanh. Tất cả hội viên CLB đều thể hiện đúng với phương châm: Nghĩa tình, hợp tác và phát triển.

Ông Vũ Ngọc Tuynh - Phó Chủ nhiệm CLB, đồng thời cũng là Giám đốc công ty TNHH một thành viên Tân An Thái nằm trên địa bàn phường Trung Mỹ Tây, quận 12 cho chúng tôi biết: năm 1983, ông phục viên trở về làm kinh tế gia đình và chỉ vài năm sau, ông đã thành lập công ty chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu. Ngoài ra, ông còn đầu tư xây dựng trường mẫu giáo và một khách sạn, tạo việc làm cho hàng trăm công nhân lao động phổ thông, trong đó có hơn 1/4 là con em cựu chiến binh với mức lương ổn định.

Khi được hỏi về lý do vì sao ông tham gia CLB cựu chiến binh, cựu quân nhân làm kinh tế của quận, cựu chiến binh Vũ Ngọc Tuynh vui vẻ chia sẻ: "Mục đích tôi tham gia là để tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong điều kiện kinh tế khó khăn này; để tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế. Tham gia CLB thì có ích lợi là hiện nay anh em, bạn bè đã có một số người đặt niềm tin vào mình và khi nào họ cần thì họ sẽ giới thiệu và đặt hàng mình".

Đến khu phố 10, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, khi hỏi về cựu chiến binh Võ Văn Kiệt thì ai cũng dành tình cảm vô cùng khâm phục, quý mến. Rời quân ngũ năm 1987, ông công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố. Cũng từ đây, người lính cụ Hồ năm xưa bắt đầu yêu thích loài ong nhỏ cần mẫn góp mật cho đời. 3 năm sau, ông nghỉ việc và bắt đầu nghĩ đến cải thiện đời sống gia đình bằng việc nuôi ong lấy mật. Từ 100 triệu đồng và 3 tấn đường do công ty ong mật Đồng Nai và công ty ong mật Trung ương hỗ trợ, đến nay, ông đã có hơn 200 cơ sở vệ tinh phát triển ổn định, hàng năm xuất khẩu 500 tấn mật ong. Tâm niệm làm kinh doanh phải có cái tâm, khi tham gia CLB cựu chiến binh - cựu quân nhân làm kinh tế của quận 12, ông đã hỗ trợ cho 1 thương binh làm giàu từ 160 đàn ong trị giá trên 200 triệu đồng, không tính lãi suất; giúp vốn trên 60 triệu đồng để giúp 2 đồng chí cựu chiến binh kinh doanh thoát nghèo; ủng hộ các đoàn thể địa phương và thành phố số tiền 190 triệu đồng/năm.

Cựu chiến binh Võ Văn Kiệt, bộc bạch: "Vì tôi trưởng thành từ người lính, nên lúc nào tôi cũng nghĩ nếu đồng chí, đồng đội của mình có tinh thần làm kinh tế thì tôi sẵn lòng giúp đỡ. Dù ở địa phương hay ở nơi khác, nếu anh em cần vốn thì tôi sẽ hỗ trợ vốn không lấy lãi, tạo điều kiện cho họ vượt lên nhanh. Bởi vì tôi nghĩ mình đã từng trải qua vất vả, thăng trầm trong cuộc sống rồi, còn anh em thì chưa có điều kiện nên mình cần chia sẻ với họ".

Sau 5 năm (2009-2014), đến nay đã có 14 quận - huyện trên thành phố thành lập Câu lạc bộ cựu chiến binh - cựu quân nhân làm kinh tế, thu hút sự tham gia của gần 500 hội viên. Với phương châm “Nghĩa tình, hợp tác và phát triển”, các thành viên CLB đã giúp đỡ tạo việc làm cho gần 500 người lao động; hỗ trợ cho hội viên vay vốn để sản xuất kinh doanh với số tiền 2,2 tỷ đồng; tạo điều kiện cho 80 lao động là con em hội viên, bộ đội xuất ngũ vào làm việc trong các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài hội cựu chiến binh…

Bên cạnh việc tạo tiếng nói chung để liên kết làm ăn, đoàn kết cùng nhau phát triển mọi mặt, các buổi giao lưu, họp mặt, sinh hoạt định kỳ giữa các hội viên cựu chiến binh còn giúp tăng cường hơn sự hiểu biết lẫn nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh, tăng cường thông tin hai chiều giữa CLB với Ban Chấp hành Hội cựu chiến binh các quận-huyện và chính quyền địa phương trong việc chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hạn chế thấp nhất các vi phạm hành chính trong sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm CLB còn lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất - kinh doanh tại đơn vị của hội viên, để kịp thời chuyển đến các cơ quan chức năng của thành phố và UBND tại địa phương tìm hướng tháo gỡ, giúp hội viên hoạt động mô hình sản xuất - kinh doanh thuận lợi, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng và phát triển CLB, ông Trần Đình Hạng - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP nhấn mạnh: "Phải xác định rõ mục tiêu hoạt động là vào CLB để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên thì mới tập hợp được hội viên tham gia. Nếu chỉ biết kêu gọi đóng góp, hội họp thì những người làm kinh tế, các doanh nghiệp họ sẽ rất ngại. Phải trên cơ sở tham gia CLB để giúp đỡ nhau, hợp tác với nhau làm ăn hiệu quả, vượt qua khó khăn thách thức, mở rộng kinh doanh thì lúc đó mới có thể vận động quyên góp quay trở lại giúp đỡ những người nghèo được".

Với sự nhạy bén, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, đến nay đã có không ít cựu chiến binh - cựu quân nhân thành phố đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Không những thế, họ còn mở rộng vòng tay để hỗ trợ những đồng chí, đồng đội còn khó khăn xung quanh mình. Đó chính là cái tình, cái nghĩa sâu nặng của những con người từng vào sinh ra tử vì đất nước, vì nhân dân. Hy vọng rằng trong thời gian không xa, mô hình CLB cựu chiến binh - cựu quân nhân làm kinh tế sẽ tiếp tục được nhân rộng hơn nữa, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo cho những người lính cụ Hồ năm xưa có được cuộc sống khấm khá, ổn định hơn, thực hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” từ ngàn xưa của dân tộc ta./.