Thành phố Biên Hòa trở thành đô thị loại I

(VOH) - Sáng 3-2, UBND tỉnh Đồng Nai công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận TP Biên Hòa trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai.

Lãnh đạo TP Biên Hoà đón nhận quyết định lên đô thị loại 1 (Nguồn TTO)

TP Biên Hòa có tổng diện tích tự nhiên 154,67 km2, gồm 30 phường - xã, là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa tỉnh Đồng Nai, đồng thời cũng là thành phố công nghiệp lớn của cả nước.

TP Biên Hòa trở thành đô thị loại II từ 1993, nằm trên trục đường chính kết nối các vùng kinh tế sôi động, trọng điểm Duyên hải miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam bộ.

Ông Phạm Anh Dũng - chủ tịch UBND TP Biên Hòa - cho biết sau khi trở thành đô thị loại I, thành phố sẽ tập trung giải quyết những “vấn đề nóng” hiện nay mà người dân quan tâm như mở rộng hạ tầng giao thông, xây dựng các công trình chống ngập, phấn đầu đến năm 2017 giải quyết xong tình trạng học ca ba, ưu tiên phát triển không gian công cộng.

Hiện TP Biên Hòa đã triển khai một số dự án trọng điểm như khởi công xây dựng cầu An Hảo bắc qua sông Đồng Nai kết nối khu vực ngã ba Vũng Tàu với trung tâm thành phố được người dân mong chờ từ lâu, thực hiện 4 trong số 21 phân khu quy hoạch thành phố,…

Cũng trong sáng cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai đã công bố quyết định về việc công nhận thị xã Long Khánh trở thành đô thị loại III.

Tiêu chuẩn phân loại đô thị loại I theo Nghị định 42/2009/NĐ-CP phân loại đô thị

1. Chức năng đô thị

Đô thị trực thuộc Trung ương có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, hành chính, giáo dục – đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ liên tỉnh hoặc của cả nước.

Đô thị trực thuộc tỉnh có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, hành chính, giáo dục – đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một hoặc một số vùng lãnh thổ liên tỉnh.

2. Quy mô dân số đô thị

a) Đô thị trực thuộc Trung ương có quy mô dân số toàn đô thị từ 1 triệu người trở lên;

b) Đô thị trực thuộc tỉnh có quy mô dân số toàn đô thị từ 500 nghìn người trở lên.

3. Mật độ dân số bình quân khu vực nội thành

a) Đô thị trực thuộc Trung ương từ 12.000 người/km2 trở lên;

b) Đô thị trực thuộc tỉnh từ 10.000 người/km2 trở lên.

4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành tối thiểu đạt 85% so với tổng số lao động.

5. Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị

a) Khu vực nội thành: nhiều mặt được đầu tư xây dựng đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh; bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường;

b) Khu vực ngoại thành: nhiều mặt được đầu tư xây dựng đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh; hạn chế việc phát triển các dự án gây ô nhiễm môi trường; mạng lưới công trình hạ tầng tại các điểm dân cư nông thôn phải được đầu tư xây dựng đồng bộ; bảo vệ những khu vực đất đai thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, vùng xanh phục vụ đô thị và các vùng cảnh quan sinh thái.

6. Kiến trúc, cảnh quan đô thị: thực hiện xây dựng phát triển đô thị theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Các khu đô thị mới phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và trên 50% các trục phố chính đô thị phải đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị. Phải có các không gian công cộng, phục vụ đời sống tinh thần nhân dân và có các tổ hợp kiến trúc hoặc công trình kiến trúc tiêu biểu mang ý nghĩa quốc gia.

 

Bình luận