Chờ...

Thành phố kiên quyết lập lại trật tự xây dựng

(VOH) – Thành phố sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép, không phép trong năm nay..

Đây là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, tại hội nghị trực tuyến “Xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP”, diễn ra sáng nay 30/7.

 thanh tra xây dựng, nhận hối lộ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và các lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND TP.HCM chủ trì hội nghị sáng 30-7 - Ảnh: TTO

Từ năm 2017 đến nay tổng số công trình không phép, không đủ điều kiện cấp phép lên đến hơn 2.500/3.500 trong tổng số công trình vi phạm trên địa bàn thành phố. Các trường hợp vi phạm phổ biến là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép xây dựng, phần lớn tập trung chủ yếu các quận huyện vùng ven. 

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn phổ biến, phức tạp, nhất là tại các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Mỗi năm có hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch đã được phát hiện và xử lý.

Nguyên nhân của tình trạng trên là nhu cầu nhà ở của người dân nhập cư cao và thành phố chưa thực hiện tốt quy hoạch, chưa có chương trình nhà ở cho người nhập cư với quy mô mỗi năm khoảng 200.000 người. Cùng đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều nơi trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng chưa quyết liệt. Có nơi còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực.

Khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè cho biết: “Ban thường vụ Quận ủy Nhà Bè đã ban hành chỉ thị 15 để lập lại trật tự xây dựng, và sau đó, đến năm 2015 huyện ủy đã tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị 15 và ban hành chỉ thị 01 và 1 số điểm mới. Trong này có quy định, trách nhiệm các đồng chí bí thư, chủ tịch các xã là phải chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với lại hệ thống chính trị nếu phát hiện các công trình xây dựng thì phải báo cáo về cho huyện và xã để lực lượng thanh tra xây dựng và đội trật tự xây dựng xuống làm việc, ngăn chặn ngay từ đầu”.

Lãnh đạo thành phố cũng nhìn nhận rằng, có nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng, nhưng cũng không phải vì thế mà không xử lý được. Quan điểm của thành phố là không phải xử lý để người dân gặp khó hơn mà chủ trương là phát hiện, ngăn chặn sớm, không để vi phạm xảy ra, người dân không bị xử lý và chính quyền thành phố cũng không phải tập trung xử lý các vấn đề hậu sai phạm.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, ban ngành tham mưu cho thành phố về các quy định liên quan: “Việc kéo giảm và tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, cần có sự nỗ lực không chỉ của chính quyền các cấp, mà còn đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân thành phố.

Chính quyền thành phố rất mong, ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, giúp cho chính quyền thành phố giám sát thật chặt chẽ, cung cấp thông tin thật nhanh chóng, chính xác để xử lý kịp thời những sai phạm có liên quan đến trật tự xây dựng trên địa bàn, từng bước lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực đô thị, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho người dân và doanh nghiệp, tiến tới mục tiêu xây dựng thành phố trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình”

Chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt quan tâm đến vai trò của Mặt trận, của người dân trong việc lập lại trật tự xây dựng: “Không có dân, không có mặt trận, không có dân vận thì việc này không xong đâu, mỗi hệ thống cần có chương trình và có quy chế phối hợp. Theo tôi, khối này chỉ có 2 vận động và 3 giám sát.

Vận động người dân làm đúng luật pháp và tích cực tham gia phát hiện những sai phạm. 3 giám sát là: xây dựng phải có niêm yết, xây dựng đúng giấy phép, thứ 3 là đã bị xử lý rồi, có văn bản xử lý sai phạm thì phải được thực hiện nghiêm túc.

Dành 5 tháng từ nay đến cuối năm có phương án xử lý các công trình xây dựng trái phép, không phép đang tồn tại, có hướng dẫn và có biện pháp xử lý công nhận hay không công nhận đến mức nào? Từ nay đến cuối năm cho dứt xong chủ đề này”.

Trước đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ thị nêu rõ:

Nếu không lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn các quận, huyện thì chẳng những không thể thực hiện được chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020 mà cũng không có cơ sở để xây dựng và thực hiện chương trình này trong giai đoạn 2020-2025.

Việc lập lại trật tự xây dựng không chỉ góp phần làm cho Thành phố tốt đẹp lên mà còn giúp người dân có cuộc sống có chất lượng hơn.