Thành phố kỷ niệm 77 năm Ngày Khởi nghĩa Nam kỳ

(VOH) - Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 23/11/1940 là một bản hùng ca bi tráng nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Kỳ cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn.

Sáng nay, 23/11, tại huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn thành phố đã tổ chức họp mặt nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940 - 23/11/2017).

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940 là một bản hùng ca bi tráng nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Kỳ cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, nhân dân toàn xứ Nam Kỳ đồng loạt thực hiện cuộc nổi dậy đánh vào hệ thống cai trị của thực dân Pháp và bọn tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của chúng ở một số vùng nông thôn, thị trấn.

Những ngày đầu kháng chiến ở Bến Tre.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Hóc Môn đã ôn lại truyền thống lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ. Giữa tháng 11/1940, Xứ ủy Nam kỳ đã phát động toàn Nam kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940, cả Nam kỳ rung chuyển với sự nổi dậy của nhân dân ở 20/21 tỉnh, thành phố.

Riêng tại huyện Hóc Môn, đông đảo quần chúng nhân dân đã tham gia cùng lực lượng nghĩa quân của 4 tổng: Long Tuy Thượng, Long Tuy Hạ, Long Tuy Trung và Bình Thạnh Trung chia thành 4 mũi tấn công áp sát vào dinh lũy Quận trưởng Hóc Môn. Cùng thời điểm đó, quần chúng nhân dân, lực lượng cách mạng ở các ấp xung quanh quận lỵ đã đồng loạt nổi trống, mõ, cổ vũ tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân và uy hiếp tinh thần địch.

Kết quả, nghĩa quân và quần chúng nhân dân đã chiếm được nhà việc, dinh quận và gần như chiếm được đồn Hóc Môn, làm chủ quận lỵ gần 4 giờ liền, đánh địch phản kích. Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, góp phần thắng lợi Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. 

Tiếp nối truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn chung sức đồng lòng, tiếp tục nỗ lực phấn đấu để xứng đáng hơn nữa với truyền thống quê hương Hóc Môn - Bà Điểm Anh hùng, với Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước và cùng cả nước.

Các đại biểu đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Liệt sỹ Ngã ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) và Tượng đài Nam kỳ Khởi nghĩa (thị trấn Hóc Môn), tham dự Lễ giỗ các chiến sỹ Nam kỳ tại Di tích “Nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ tháng 9 năm 1940”.