Theo thông tin tại hội thảo "Chung tay bảo tồn, nhân giống Voọc Việt Nam vào sáng 29/8, các nhà khoa học dự báo có nhiều loài voọc quý hiếm tại Việt Nam như voọc chân xám (tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon tum, Gia Lai, Bình Định), voọc chà vá chân nâu (Sơn Trà, Đà Nẵng), voọc chân đen, số cá thể đang giảm dần, nếu không được bảo tồn kịp thời các loài này có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên trong vòng vài chục năm tới.
Trước nguy cơ trên, tại hội thảo, các đơn vị liên quan đến từ Đà Nẵng, Kon Tum, Thảo cầm viên Sài Gòn...đã chia sẻ kinh nghiệm về việc chung tay bảo tồn các loài voọc quý này trong thời gian tới.
Với Thảo cầm viên Sài Gòn, lãnh đạo đơn vị này cho biết sẽ dành chi phí và nhân lực phục vụ cho hoạt động cứu hộ; đầu tư xây dựng các khu nuôi dưỡng, chăm sóc và nhân giống voọc; phối hợp với các vườn quốc gia, đơn vị khoa học nhằm nghiên cứu nhân giống, thực hiện tái thả và phương pháp quản lý sau khi tái thả.
Thảo cầm viên Sài Gòn mong muốn trong tương lai sẽ là nơi dự trữ nguồn gen, bảo tồn và góp phần hồi phục lại quần thể voọc trong tự nhiên.
Khách tham quan tìm hiểu về voọc tại Thảo cầm viên.
Trong những năm gần đây, Thảo cầm viên đã thực hiện công tác cứu hộ trên phạm vi rộng khắp ra các tỉnh, thành, đặc biệt là những trường hợp phối hợp khẩn cấp để cứu hộ các cá thể voọc.
Từ năm 2016 đến 2019, nhóm cứu hộ của Thảo cầm viên Sài Gòn đã trực tiếp tiếp nhận 6 cá thể voọc chân xám, chân nâu và chân đen. Dù cơ sở vật chất cho việc chăm sóc nuôi dưỡng các loài voọc cứu hộ còn thiếu và gặp nhiều khó khăn, nhưng bước đầu đã gặt hái được kết quả tốt, như việc cho sinh sản thành công các loài voọc bạc, voọc chân đen và voọc chân sám.
Voọc chân đen được sinh tại Thảo cầm viên.
Voọc chân xám.
Các loài voọc kể trên cũng như các loài voọc khác phân bố tại Việt Nam đều thuộc nhóm IB nghị định 64/2019/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.