Thảo luận về Luật An ninh mạng: Bàn chuyện quy định đặt máy chủ ở Việt Nam

 (VOH) - Hôm nay, các đại biểu thảo luận tại hội trường về 1 số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng, thảo luận tổ về dự án Luật Cảnh sát biển VN, dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)

Thảo luận về dự án Luật An ninh mạng, đa số ý kiến của các đại biểu tại hội trường bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật; cho rằng tình hình hiện nay, an ninh mạng là vấn đề quan tâm của toàn cầu, có tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục rà soát lại nội dung, bố cục của Luật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung; tính phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, công dân, cũng như quyền bình đẳng trong hoạt động giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông nước ngoài sang đầu tư, hợp tác và cung cấp các dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thuỷ - Đoàn Thanh Hoá nêu ý kiến chương 3 của dự thảo luật đưa ra quy định về phòng ngừa xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng. Nội dung các điều luật trong chương này là giải thích và liệt kê cụ thể các hành vi phạm pháp luật như tội phạm mạng, gián điệp mạng. Tuy nhiên một số hành vi mà dự thảo đưa ra giải thích lại không có sự thống nhất với quy định về tội phạm trong Bộ Luật hình sự. Do đó đề nghị ban soạn thảo rà soát lại nội dung của Bộ Luật hình sự hiện hành cũng như dự thảo luật an ninh mạng để đảm bảo sự đồng bộ thống nhất của pháp luật…

Các đại biểu cho rằng việc quy định văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu thông tin người dùng đặt ở Việt Nam để đảm bảo an ninh thông tin mạng là không khả thi và gây khó khăn cho doanh nghiệp, cản trở người dùng được tiếp cận công nghệ tốt nhất. 

Đại biểu Lê Minh Sơn - đoàn Tiền Giang, đề nghị dự thảo luật cần thống nhất quan điểm an ninh mạng là nội hàm của an ninh quốc gia và an ninh quốc phòng, có mối liên hệ mật thiết với nhau để giải quyết các vấn đề liên quan. Theo đại biểu Lê Minh Sơn: Vì an ninh quốc gia có ý nghĩa rất lớn bao trùm cả vấn đề quốc phòng và sự ổn định về sự phát triển của chế độ xã hội chủ nghĩa và nhà nước CHXH Việt Nam. Sự bất khả xâm phạm độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bao gồm cả thực tế, thực địa bao gồm cả trên không gian mạng. Do đó dự thảo luật cần làm nổi bật được ý nghĩa đó thì mới có quy định để triển khai trong thực tế.

Chiều 29/5, thảo luận tổ về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các đại biểu nhận định: Dự thảo luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến Hiến pháp, đến nhiều luật, văn bản khác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, tổ chức bộ máy nhà nước, các quy định về xử phạt, xử lý hình sự, quy định về tố tụng và nhiều điều ước quốc tế. Đây là một đặc thù của Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, do đó, cần rà soát để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất. Về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam, cơ bản các ý kiến phát biểu đều tán thành việc xác định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang.

Cũng trong chiều nay, thảo luận về Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), đa số các đại biểu cho rằng, cần phải quan tâm đến sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đặc xá nhằm đảm bảo đúng ý nghĩa là một đặc ân của Nhà nước đối với những người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn hay tù chung thân được giảm xuống có thời hạn. Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc tính khả thi khi thống nhất quan điểm không mở rộng diện được đặc xá và quy định chặt chẽ các điều kiện đặc xá.

Trước đó, trong phiên làm việc sáng 29/5, Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Đây cũng là dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước. 

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội, ý kiến cử tri cả nước gửi tới Ban Dân nguyện của Quốc hội đều mong muốn Luật giáo dục được sửa đổi lần này sẽ khắc phục được những hạn chế tồn tại lâu nay của ngành giáo dục. Phải quan tâm hơn nữa tới việc đào tạo nhân cách, lí tưởng cho học sinh, cho người học.

Có thể thấy, so với bản dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lần đầu, dự thảo lần này có nhiều điều chỉnh những nội dung quan trọng, tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, đây mới là lần đầu tiên, dự án Luật được đem ra thảo luận, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp Quốc hội cuối năm, vì vậy, thời gian thảo luận, thời gian lấy ý kiến cử tri vẫn còn rất nhiều trong thời gian tới để dự án Luật được hoàn thiện.

Bình luận