Thi hành Luật Cư trú còn bộc lộ nhiều vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung

(VOH) - Sáng 6/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo và các cơ quan chức năng của quận Gò Vấp xung quanh việc thực hiện Luật Cư trú trong thời gian qua trên địa bàn quận.
Người dân đăng ký lưu trú (ảnh: ANTD)

Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Cư trú, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, một số quy định của Luật Cư trú cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền về tự do cư trú và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về cư trú.

Cụ thể, Luật Cư trú trước đây chưa quy định nghiêm cấm đối với trường hợp người đã đăng ký thường trú cho người khác đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của mình để trục lợi và trường hợp có hành vi giả mạo để được đăng ký thường trú nên dẫn đến thời gian qua tình hình quản lý công dân của lực lượng công an gặp vô vàn khó khăn, phức tạp và kéo theo nhiều vấn đề mới nảy sinh, nhưng các quy định và biện pháp, chế tài xử lý chưa triệt để...? Đây là ý kiến được lãnh đạo và các cơ quan chức năng của quận Gò Vấp tập trung kiến nghị tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM vào sáng nay 6/5, xung quanh việc thực hiện Luật Cư trú thời gian qua.



Theo UBND quận Gò Vấp, do các quy định của Luật thông thoáng về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương, nên nhiều trường hợp đã lợi dụng quy định đó. Ví dụ như: Luật không quy định diện tích tối thiểu là bao nhiêu m2/1 người đối với diện tích nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì được đăng ký thường trú nên đã nảy sinh hiện tượng cho nhiều hộ, nhiều người nhập hộ khẩu vào hộ khẩu của mình, nhưng thực tế những người này lại không cư trú tại đây. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng của Luật để nhập hộ khẩu vào thành phố gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội làm cho tốc độ tăng dân số cơ học tại quận Gò Vấp ngày càng tăng cao, đã tạo nên sức ép rất lớn về các vấn đề xã hội dẫn đến việc quản lý trật tự, an toàn xã hội và các dịch vụ công không thể đáp ứng được. Theo đó quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú trên địa bàn không được bảo đảm, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý cư trú của Nhà nước. Liên quan đến những hạn chế trong Luật Cư trú, bà Nguyễn Thị Gái- Trưởng phòng Tư pháp quận Gò Vấp, kiến nghị:



Cũng theo Trưởng phòng Tư pháp quận Gò Vấp Nguyễn Thị Gái thì việc Luật Cư trú không quy định thời hạn của sổ tạm trú nên nhiều trường hợp không bị xóa tên trong sổ tạm trú ở chỗ cũ, mặc dù đã chuyển đến chỗ ở mới và khi đến chỗ ở mới lại xin cấp sổ tạm trú khác, dẫn đến tình trạng một người có nhiều sổ tạm trú khác nhau, vừa lãng phí, vừa gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng.


Thượng tá Lê Đình Phong - Phó Trưởng Công an quận Gò Vấp cho rằng, nếu người dân đã tạm trú liên tục tại TP.HCM từ một năm trở lên, nay có nhà ở do mình đứng tên chủ sở hữu và hiện đang cư trú tại nơi ở đó thì cần được giải quyết đăng ký thường trú ngay, không nhất thiết phải tạm trú liên tục 1 năm như quy định hiện hành. Thượng tá Lê Đình Phong, nêu ý kiến:


Nêu ý kiến tại buổi làm việc, Thiếu tướng Lê Đông Phong- Phó Giám đốc Công an TP.HCM nhìn nhận: Bản chất của cuốn sổ hộ khẩu là biện pháp để Nhà nước quản lý công dân chứ không phải như thời gian qua nhiều cơ quan, tổ chức hiểu không đúng về sổ hộ khẩu nên cứ xem nó như một thứ giấy phép. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú là cần thiết nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong thực tiễn để hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm các điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân trong cư trú, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, Thiếu tướng Lê Đông Phong - Phó Giám đốc Công an TP.HCM, khẳng định:



Tại buổi làm việc, ông Võ Ngọc Quốc Thuận- Chủ tịch UBND quận Gò Vấp đã nêu lên bất cập mà cần phải có những quy định đưa vào ngay trong Luật Cư trú hiện hành:


Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thành Lập - Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng: Thời gian qua Đoàn ĐBQH TP.HCM đã nhiều lần xuống cơ sở giám sát nhưng cũng chưa có câu trả lời thấu đáo cho một loạt vấn đề, như: Làm sao vừa bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, vừa hỗ trợ chính quyền quản lý chặt chẽ được hoạt động cư trú, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; người dân chuyển đến nơi ở mới, có cần thủ tục xin tạm vắng không?...Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Huỳnh Thành Lập, nhìn nhận:




Cũng theo Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Huỳnh Thành Lập trong khi chờ Luật Cư trú (sửa đổi, bổ sung) được Quốc hội thông qua thì các quận - huyện trong khả năng và quyền hạn của mình, cái nào gỡ được cho dân thì gỡ, nhất định không được đẩy phần khó về cho dân. Đặc biệt, các thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện Luật Cư trú cần giảm bớt phiền hà cho dân, trên cơ sở tạo điều kiện cho người dân thực hiện một cách thuận lợi về yêu cầu giải quyết đăng ký hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng.