Chờ...

Thời tiết chuyển mùa, nhiều bệnh phát sinh

(VOH) - Thời tiết những ngày này rất khó chịu khi đột ngột lúc nắng, lúc mưa. Sự chuyển mùa sẽ tạo điều kiện cho các bệnh do vi trùng, virút sinh sôi. Những người có sức đề kháng kém như các cô bác lớn tuổi, bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ càng phải lưu ý để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh các bệnh trong thời tiết chuyển mùa.

Các bệnh đường hô hấp

Mấy tuần qua, dạo quanh các bệnh viện dễ thấy tình trạng chung là nhiều cơ sở y tế đều rơi vào cảnh quá tải. Bệnh viện Đại học Y dược cao điểm ngày 14/6 có đến 7.000 bệnh nhân đến khám, trong khi đó, tình hình này vẫn tương tự tại bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2. Trẻ con lẫn người lớn đều rất dễ mắc bệnh trong kiểu thời tiết rất khó chịu lúc này. Nhiều phụ huynh than thở tiết trời bỗng chuyển sang mưa, cả trẻ nhỏ lẫn người lớn đều bị ho, viêm phế quản kéo dài...

Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh – Trung tâm chăm sóc hô hấp - Bệnh viện Đại học Y Dược TP cho biết khi thời tiết thay đổi chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa, đây là thời gian tạo điều kiện cho vi trùng, virus sinh trưởng mạnh, dễ tấn công vào hệ hô hấp của mọi người. Người dân thường sẽ bị các triệu chứng như cảm sốt, nhức người, ho đàm…đối tượng đang có những bệnh mãn tính về hô hấp thì càng dễ bị các bệnh như nhiễm trùng hô hấp trên, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi ở người lớn tuổi.

Trong các bệnh lý về hô hấp, lo ngại nhất vẫn là trẻ bị viêm phổi vì có nhiều cha mẹ, con đã bị viêm phổi nhưng không hề hay biết, tự ý ra nhà thuốc mua thuốc đến khi bệnh trở nặng, đến bệnh viện thì quá muộn.

“Trẻ em thường nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, một em bé dưới 5 tuổi một năm có thể bị từ 5 đến 8 lần. Đại đa số các trường hợp có thể khỏi từ 7 đến 14 ngày, nhưng trong đó có 1/4 trường hợp có thể biến chứng bị viêm phổi. Trong những trường hợp này phải theo dõi và chữa trị kịp thời, tránh biến chứng nặng thậm chí có thể tử vong”, bác sĩ Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa hô hấp – bệnh viện Nhi đồng 1 lưu ý.

Cần theo dõi và chữa trị kịp thời khi có các triệu chứng nhiễm bệnh - Ảnh minh họa

Đau cơ, xương khớp...

Với người lớn tuổi thì khi trở trời cũng là thời điểm bệnh lý cơ xương khớp bùng phát. Người bệnh luôn cảm thấy đau nhức ở các khớp như ở khớp tay, khớp đầu gối, khớp vai hay khớp háng. Không những đau, các khớp còn bị sưng, khó vận động đặc biệt là sáng sớm khi tiết trời còn lạnh.

Mùa mưa đến, thường thì các bậc thềm, nền hay sàn nhà cũng thường xuyên ẩm ướt, trơn trượt là yếu tố gây nguy cơ té ngã cho người lớn tuổi. Vậy nên, rất lưu ý với người già, đi đứng thường chủ quan nên khi té ngã sẽ để lại nhiều hậu quả đáng tiếc như bị gãy cổ xương đùi, gãy đầu trên xương cánh tay, gãy mắt cá, gãy xẹp cột sống ngực, thắt lưng...

Bên cạnh những ngày mưa thì mùa hè thường nắng nóng, nhiệt độ cao, uống nhiều nước đá cũng là nguyên nhân gây ra bệnh lý viêm họng cho cả trẻ nhỏ lẫn người lớn. Nhiều nơi sản xuất nước đá chất lượng không đảm bảo vệ sinh, uống vào sẽ là nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng, tiêu chảy.

Liên quan đến vấn đề này bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP khuyến cáo: “Chất lượng nước đá thời gian qua không đảm bảo. Chúng tôi yêu cầu các quận, huyện tăng cường truyền thông, lập danh sách cơ sở nào có phép, không phép. Sau 1 tháng các quận, huyện sẽ kiểm tra xử phạt. Còn quận, huyện nào chưa có thông tin hay nói chưa có sự hỗ trợ thì y tế địa phương phải chịu trách nhiệm”.

Các bệnh ngoài da

Bên cạnh những bệnh lý vừa nêu thì vào đầu mùa mưa khí hậu tương đối khắc nghiệt đối với làn da nên các bệnh da cũng cần phải lưu ý với các bệnh lý thường gặp là viêm da tiết bã, mề đay, bệnh nhiễm trùng da như chốc ở trẻ, hăm kẻ, nấm da, lang ben…

Để phòng ngừa các bệnh vừa kể trên, các bác sĩ chuyên khoa da liễu khuyến cáo cá nhân nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, tránh dùng quần áo quá dày, có chất len dạ, ni lông làm cho da dễ bị ngứa...chú ý khi ra ngoài ngoài trời hoặc đang dùng thuốc gây tăng sắc tố da thì phải bảo vệ da chống nắng thật hữu hiệu. Còn những ai thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm ướt thì nên thường xuyên thay quần áo để cho da được khô thoáng. Nếu chẳng may bị xuất hiện bất kỳ tổn thương da khả nghi nào thì nên đến cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị đúng.

Vào thời điểm chuyển mùa này, một chế độ ăn uống hợp lý với đa dạng nhiều thực phẩm, tăng cường trái cây, rau quả, ngũ cốc sẽ có lợi cho sức khỏe

Cảnh giác với cúm gia cầm

“Trong mùa hè chúng ta có thể lưu ý một số dịch bệnh nguy hiểm trong đó có cúm gia cầm lây sang người. Hiện nay ở khu vực phía Nam nuôi đàn gia cầm, thủy cầm rất nhiều trong khi đó vẫn lưu hành virút cúm A H5N1 nên chúng ta không thể mất cảnh giác với việc có khả năng lan truyền bệnh cúm gia cầm sang người. Để thực hiện tốt việc phòng bệnh chúng ta phải thực hiện tốt vệ sinh chăn nuôi, để phát hiện sớm gia cầm bị bệnh và khi đã bị bệnh rồi thì tuyệt nhiên phải tiêu hủy theo quy định, không được ăn”, Tiến sĩ Trương Đình Bắc – Phó cục trưởng Cục y tế dự phòng – Bộ Y tế cảnh báo.