Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tập trung ổn định mặt bằng lãi suất thị trường

(VOH) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có chỉ thị về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác... nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ trưởng kinh tế hợp lý.

Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tập trung ổn định mặt bằng lãi suất thị trường 1
Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%-15%

Trong năm 2023,đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm đảm bảo tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.

Tập trung triển khai chỉ đạo các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các tổ chức tín dụng này từng bước phục hồi.

Kiểm tra chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng 

Thống đốc yêu cầu điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.

Chú trọng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; phòng chống rửa tiền.

Theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, đảm bảo dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Cảnh báo kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm đối với việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán lãi dự thu...

Xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra các hành vi vi phạm đã được cảnh báo, tổ chức tín dụng chậm khắc phục sai phạm