Thống nhất quản lý hệ thống giao thông thủy nội địa

(VOH) - Ngày 23/8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP khảo sát tình hình thực hiện Luật Giao thông Đường thủy Nội địa tại TPHCM. Tham dự hội nghị có lãnh đạo ngành giao thông, Công an TP cùng một số sở - ngành, quận - huyện. Ông Huỳnh Thành Lập - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP chủ trì hội nghị.
Với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé được nạo vét mở rộng, giao thông thủy sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Ảnh: SGGP

Các đại biểu nhìn nhận, sau gần 10 năm, Luật Giao thông Đường thủy Nội địa góp phần quan trọng trong quản lý các hoạt động giao thông thủy trên địa bàn thành phố, góp phần phát triển hệ thống giao thông nói chung. Tuy nhiên, đến nay Luật đã xuất hiện nhiều bất hợp lý, chưa theo kịp diễn biến giao thông thủy trên địa bàn, tai nạn giao thông thủy diễn biến phức tạp. Theo Sở Giao thông Vận tải, hiện nay việc phân cấp quá nhiều cơ quan quản lý các tuyến đường thủy là một trở ngại, cụ thể: Cục hàng hải quản lý 7 tuyến hàng hải với 146 km, Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam quản lý 16 tuyến đường thủy nội địa quốc gia (252 khm), còn Sở Giao thông Vận tải quản lý 87 tuyến đường thủy nội địa địa phương (khoảng 574km). Chính vì nhiều ngành, nhiều cơ quan chủ quản, cấp phép dễ phát sinh mâu thuẫn. Trong rất nhiều trường hợp cơ quan cấp phép cho các hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến đường thủy là một người, còn quản lý là của người khác. Ông Tất Thành Cang - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP nói:

Chính vì vậy Sở kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm phân cấp cho thành phố quản lý các tuyến đường thủy nội địa quốc gia do trung ương quản lý trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông Đường thủy Công an TPHCM thì kiến nghị Luật cần sủa đổi khoản 3 điều 99 theo hướng xác định rõ thẩm quyền, chức năng xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông đường thủy. Hiện nay, cảnh sát giao thông thủy chủ yếu xử lý các trường hợp vi phạm trên các tuyến đường thủy nội địa, còn các tuyến hàng hải thì do Cục Hàng hải xử lý, trong khi đó phương tiện lưu thông giữa đường thủy nội địa và các tuyến hàng hải diễn ra đan xen rất khó phân biệt. Đại tá Võ Văn Vân - Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông Đường thủy kiến nghị, luật cần làm rõ khái niệm: thế nào là đường thủy nội địa và thế nào là tai nạn giao thông đường thủy nội địa. Thực tế có những tai nạn dưới nước nhưng tính chất rất khác so với một tai nạn đường thủy. Chẳng hạn các trò chơi đạp vịt tại các công viên giải trí, nếu xảy ra tai nạn thì không thể coi là tai nạn đường thủy nội địa. Mặt khác, luật quy định rõ thêm nội dung cứu nạn cứu hộ vì Luật hiện hành đề cập rất ít nội dung này. Ông Võ Văn Vân - Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông Đường thủy - Công an thành phố đề xuất:

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Huỳnh Thành Lập - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP cũng cho rằng, đường thủy nội địa có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thành phố. Vì vậy, luật cần điều chỉnh để các hoạt động diễn ra hiệu quả. Luật Giao thông Đường thủy Nội địa có nhiều đóng góp tích cực, song đến nay đã xuất hiện nhiều bất cập. Các ý kiến đề xuất của các đại biểu là xác đáng. Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP - ông Huỳnh Thành Lập nói:

Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP cho biết, đoàn sẽ tổng hợp, phân loại các ý kiến để trình bày tại kỳ họp Quốc hội lần tới./.