Thu hút người tài cần đối xử tốt và môi trường làm việc công bằng

(VOH) - Cái quan trọng không phải chúng ta dành bao nhiêu tiền, cái quan trọng là chúng ta phải tạo ra môi trường, một cơ chế thuận lợi để họ cống hiến.

Người tài cần đối xử tốt và một môi trường làm việc công bằng là ý kiến đa số của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác tại các sở, ban, ngành, khu công nghệ cao của TPHCM giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến đến năm 2025, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức vào sáng 05/3.

Theo đề án, ngay khi được tuyển chọn, chuyên gia, nhà khoa học được trợ cấp 100 triệu đồng. Các trường hợp còn lại được trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng. Khi thực hiện tốt nhiệm vụ sẽ được hưởng mức cao hơn 1 bậc so với hợp đồng ban đầu. Ngoài ra, để khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thành phố sẽ phụ cấp cho chuyên gia, nhà khoa học 1% tổng kinh phí ngân sách chi cho nghiên cứu đề tài. Mức khuyến khích từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ còn được hưởng phân chia lợi nhuận từ kết quả thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Đa số đại biểu đều nhất trí với đề án. Tuy nhiên, đề án vẫn cần phải bổ sung, điều chỉnh một số điểm như: việc chỉ tuyển chọn người tài cho các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao là không đầy đủ vì lĩnh vực nào cũng cần có người tài. Và nếu người tài chỉ giới hạn trong người trẻ thì cũng chưa được và tiêu chuẩn chọn quá cao. Đề án không chỉ tuyển chọn những cái có sẵn mà chưa có sự ươm mầm, đào tạo tài năng khi mới bắt đầu biểu hiện. Phải có chính sách với từng loại nhân tài khác nhau và đào tạo ngay từ bây giờ. Ngoài ra, khi tuyển chọn thì hội đồng tuyển chọn phải giỏi bao gồm các nhà khoa học, chuyên gia độc lập, có uy tín tuyển chọn.

Về lương thì giữa Việt kiều và người trong nước có sự chênh lệch quá lớn. Trao đổi với VOH, PGS.TS Đặng Văn Phan – Chủ tịch Hội địa lý – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Cửu Long cho rằng: "Người tài cần nhất là môi trường hoạt động, sáng tạo khoa học, hơn là lương bổng. Những người trí thức họ cần sự tôn trọng và phát huy dân chủ trong tư duy. Phải cho người ta cái không gian, môi trường sáng tạo".

Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM, trước hết nên rà soát lại các chế độ chính sách đang dành cho các chuyên gia, các nhà khoa học đang đóng góp tại TPHCM. Nếu chúng ta tạo ra môi trường tốt đẹp, chính sách hợp lý cho các nhà khoa học hiện hữu thì các chuyên gia, các nhà khoa học ở các nước, các địa phương khác nhìn vào việc đang đãi ngộ để tiếp tục cống hiến và đáp ứng cho sự phát triển của TP. Quan trọng không phải chúng ta dành bao nhiêu tiền, quan trọng là chúng ta phải tạo ra môi trường, một cơ chế thuận lợi để họ cống hiến. 

"Hãy tạo cho đơn vị cơ sở thêm quyền chủ động và Sở Khoa học hay UBND TP chỉ là đơn vị thẩm định thôi chứ không phải là hội đồng cho thi, xét rồi chuyển lại cho các đơn vị thực tế. Đồng thời có cơ chế chi cho phù hợp với mức cống hiến của nhà khoa học phù hợp hơn là ghi giá mức giá, đơn giá thì không phù hợp. Chúng ta nên áp dụng cơ chế khoán để nhà khoa học được hưởng thụ trong công trình nghiên cứu của họ đóng góp vào sự phát triển chung của TP", Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân phát biểu.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM phát biểu tại hội nghị

Trước đây các đề án đào tạo nhân tài đã gặp phải một số khó khăn nhất định. Theo Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Giao – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TPHCM nêu vấn đề: so với những đề án đào tạo thì đề án thu hút nhân tài này gọi là tuyển chọn thì đúng hơn chứ không phải thu hút. Quy trình chọn lại chi li và quá cao.

Theo ông Giao đơn vị nào tuyển chọn thì đơn vị đó tự lo, không cần một quy trình của TP như thế này. Đặc biệt, môi trường làm việc là quan trọng nhất, phải đối xử tốt với họ. Với nhà khoa học nên lắng nghe ý kiến của họ, dù có gai góc cũng phải nghe vì họ nói đúng. Nếu xử sự theo kiểu cấp trên cấp dưới thì không thể hiệu quả. 

"Các địa phương trải thảm đỏ thu hút nhân tài, nhưng dưới thảm đỏ thường có "đinh" - là nhiều thủ tục, thành ra không thu hút được. Theo tôi không cần hội đồng của TP mà muốn thu hút nhân tài vào cơ sở nào thì thủ trưởng cơ sở đó quyết định. Muốn nhận ai, tại sao nhận người đó chứ không thể bằng việc thi vô. Và phải đổi thành đề án tuyển chọn cán bộ cho các sở ban, ngành", Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Giao đóng góp.

Ông Đỗ Văn Đạo – Phó Giám đốc Sở nội vụ, kết luận, với 17 ý kiến đóng góp. Đây là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế thu hút nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị, đồng thời là căn cứ thực tiễn sinh động để bổ sung, đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng nguồn lực con người của Đảng và Nhà nước. "Làm sao tách bạch cho rõ việc thu hút chuyên gia, người tài nói chung và thu hút cán bộ khoa học trẻ nói riêng, chia làm 2 phần cho rõ ràng. Những đề tài những công trình những dự án của TP và các cơ quan thuộc TP cần công khai minh bạch. Cái thứ nữa là các thủ tục hành chánh liên quan đến việc tuyển chọn người tài thì phải tinh gọn nhưng bảo đảm quy định Trung ương cũng như của TP", ông Đạo nói.

Bình luận