Thủ Thiêm - hôm qua, hôm nay và tầm nhìn thế kỷ

<b><br>Bài 1: Thủ Thiêm - Ký ức bờ Đông thành phố</b></br> (VOH) - Bán đảo Thủ Thiêm ngày nào chỉ là vùng đất nông nghiệp với những cụm dân cư thưa thớt. Thế nhưng giờ đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã và đang thúc giục một vùng đất nông nghiệp sớm choàng mình tỉnh giấc trở thành một trung tâm đô thị mới của TP.HCM. Tuy nhiên, để có một Thủ Thiêm hiện đại của hôm nay và tương lai thì chúng ta vẫn không thể quên nó đã được bắt nguồn từ một Thủ Thiêm trong quá khứ với những nét đẹp thôn dã ven đô.
Sau cuộc chuyển giao lịch sử, khoảng cách giữa Thủ Thiêm hoang sơ và trung tâm TP.HCM sẽ dần được rút ngắn - Ảnh: TTO

Ai đã một lần qua đò Thủ Thiêm của những ngày trước, hẳn sẽ không thể quên một vùng đất bên kia sông Sài Gòn mênh mang như một câu hò trên dòng nước. Bán đảo Thủ Thiêm trong suốt tiến trình lịch sử 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn - Gia Định chỉ là vùng đất nông nghiệp với những cụm dân cư thưa thớt. Tiếng là thành phố, vậy nhưng hai vùng đất ở đôi bờ sông Sài Gòn suốt nhiều chục năm qua luôn là những hình ảnh tương phản cho đến tận thế kỷ thứ 21...

Theo PGS - Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Trưởng Bộ môn Lịch sử Việt Nam, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, địa danh Thủ Thiêm có từ thế kỷ thứ 18, lúc đó vùng đất này còn rất hoang sơ. Những người sống trên sông nước phương Nam và cả những người không có nơi chốn định cư ổn định cũng đã tìm về vùng đất Thủ Thiêm để hình thành nên những cụm dân cư xen kẽ trong các vùng kênh rạch và bãi bồi. Khi cư dân bắt đầu tụ họp về sinh sống, đã xuất hiện vài ngôi chùa, miếu thờ và đình làng. Đến nay vẫn còn lại khá nhiều ngôi đình như đình An Phú, đình Bình Khánh... thuộc địa bàn quận 2. Nói về lịch sử của ngôi đình làng Bình Khánh, một vị cao niên trong vùng kể lại:

Nếu như ở bên kia sông, trung tâm thành phố nhộn nhịp ngày đêm với những tòa nhà cao chọc trời, thì bên này sông, Thủ Thiêm vẫn như một nàng công chúa đang trong giấc ngủ dài. Đây đó là những rặng dừa nghiêng mình soi bóng, những dòng nước uốn quanh với tên gọi khá dân dã như rạch Cá Trê Lớn, rạch Cá Trê Nhỏ, cùng với những ao cá, hồ sen hòa trong một nhịp sống êm đềm miền thôn dã. Phân tích về nguyên nhân biệt lập của Thủ Thiêm ngay từ khi người Pháp bắt đầu tiến hành xây dựng đô thị Sài Gòn, PGS - Tiến sĩ Hà Minh Hồng cho rằng:

Chính vì địa thế biệt lập mà mãi cho đến cuối thể kỷ 20 đầu thế kỷ 21, Thủ Thiêm vẫn là hình ảnh đối lập với “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ”. Ở bên kia sông, trên những bãi bồi và lác đác hồ ao, vùng trũng, người nông dân Thủ Thiêm lặng lẽ mưu sinh với những hoạt động gắn liền với thiên nhiên, sông nước. Ông Nguyễn Văn Tời, người dân địa phương gắn bó với vùng đất này cho biết:

Dù vậy, ở Thủ Thiêm, nông nghiệp không phát triển theo mô hình cánh đồng cò bay thẳng cánh, hay những ao cá, đìa tôm dồi dào, trù phú như vùng đồng bằng sông Cửu Long, bởi do điều kiện thổ nhưỡng ở đây vẫn còn nhiều yếu tố không hoàn toàn thuận lợi cho việc trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Hình ảnh nổi bật nhất còn mãi lưu lại trong trí nhớ của người Sài Gòn chính là hoạt động chuyên chở và mua bán tại bến đò Thủ Thiêm. Nơi đây từ thời xưa, khi bắt đầu có tàu biển, thuyền sông tấp nập ở bến đò, người dân địa phương đã làm nghề chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán các loại thực phẩm như vài mớ rau, một ít cá được bắt lên từ những dòng kênh rạch gần nhà.

Việc duy trì một nhịp sống yên ả đã khiến Thủ Thiêm chứa đựng những giá trị văn hóa đặc biệt, hòa lẫn giữa tính sông nước dân dã và tính đô thị được đón nhận từ khu vực trung tâm Sài Gòn sầm uất, như lời Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố nhận định:

Văn hóa vùng nông thôn theo cách nói của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, đã được người dân Thủ Thiêm gìn giữ và tiếp biến với vùng đô thị trung tâm qua những chuyến đò ngang. Theo thời gian, sau khi thực hiện sứ mệnh đưa khách sang sông trong suốt 100 năm chẵn thì đến cuối năm 2011, bến đò đã nhường lại vai trò cho những nhịp cầu Thủ Thiêm cùng với hầm vượt sông Sài Gòn hiện đại và tiện lợi hơn. Bên cạnh đó, những khu nhà cấp bốn ở Thủ Thiêm đã được dỡ bỏ, thay vào đó là các chung cư cao tầng đang dần tạo nên một diện mạo mới, một nơi chốn an cư hiện đại. Tiếp đó là những ao hồ sình lầy sẽ được san lấp, nhường chỗ cho những dự án phát triển trong tương lai. Thay da đổi thịt, nhưng vùng nông thôn Thủ Thiêm cần được lưu giữ bằng những trang sưu tầm, nghiên cứu để người đời sau có thể hiểu được một Thủ Thiêm hiện đại của tương lai đã được bắt nguồn từ một Thủ Thiêm trong quá khứ với những nét đẹp thôn dã ven đô.

Tốc độ đô thị hóa đã và đang thúc giục một vùng đất nông nghiệp sớm choàng mình tỉnh giấc. Một tầm nhìn đang hướng về phía Đông với khát vọng xây dựng hai bên bờ sông Sài Gòn khu phố Đông - Tây đối xứng, trở thành trung tâm hiện đại bậc nhất của thành phố mang tên Người.