Thủ tục làm nhà ở xã hội sẽ giảm được ít nhất 350 ngày

HÀ NỘI - Theo Thủ tướng, nhà ở xã hội không phải nằm ở nơi "khỉ ho cò gáy", đất "đầu thừa đuôi thẹo" mà phải đầy đủ hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục.

Chiều 2/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết 201 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển cho nhà ở xã hội và rà soát đánh giá tình hình phát triển nhà ở xã hội 5 tháng đầu năm, kế hoạch triển khai các tháng cuối năm 2025.

thu-tuong-pham-minh-chinh-020625
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP

 Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta có chính sách xã hội và chính sách an sinh xã hội về nhà ở; theo đó, bảo đảm quyền có chỗ ở, quyền tiếp cận bình đẳng về nhà ở cho người dân và quan tâm cho những người yếu thế.

Nhấn mạnh, cần hiểu đúng về phạm vi rất rộng của các đối tượng được hỗ trợ trong chính sách nhà ở xã hội, Thủ tướng cho biết đã từng nghe ý kiến nói rằng "tỉnh tôi không có công nghiệp, không có công nhân, nên không cần phát triển nhà ở xã hội".

Theo Thủ tướng, như thế là hiểu chưa hết chính sách, bởi chính sách nhà ở xã hội còn dành cho cả người nghèo, người khó khăn, người mới ra trường, giáo viên cắm bản, bộ đội biên phòng nơi biên giới…; tức là những người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở nói chung.

Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 338 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là phải hoàn thành ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội và năm 2025 phải phấn đấu hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội.

Đến nay, kết quả như báo cáo của Bộ Xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực, trên cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô 9.737 ha đất làm nhà ở xã hội, hầu hết các địa phương dành đủ quỹ đất nhà ở xã hội tại các vị trí thuận lợi.

Trên địa bàn cả nước đã có 679 dự án nhà ở xã hội triển khai với quy mô 623.051 căn (108 dự án hoàn thành, quy mô 73.075 căn; 571 dự án đang triển khai, quy mô 550.000 căn). Trong 5 tháng đầu năm 2025 đã hoàn thành 22.649 căn hộ, có thêm 21 dự án khởi công với quy mô 20.428 căn.

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, dù có khó khăn nhưng việc triển khai đã được tiến hành quyết liệt, nghiêm túc, nhất là Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… Tuy nhiên, việc triển khai dự án nhà ở xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung chính là thể chế và thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài.

Do đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội ngày 6/3/2025, các cơ quan đã trình Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội về 6 cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhà ở xã hội.

thu-tuong-pham-minh-chinh-020625-1
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 201 ngày 29/5/2025 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội ngay tại đợt 1, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Theo Thủ tướng, Nghị quyết 201 có nhiều cơ chế, chính sách có tính đột phá như thành lập Quỹ nhà ở quốc gia; mở rộng đối tượng là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác, bao gồm cả công nhân, người lao động là người nước ngoài.

Nhiều nội dung tại Nghị quyết đã cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính trong phát triển nhà ở xã hội như: Giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, không yêu cầu lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, bỏ các thủ tục về thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định giá, miễn giấy phép xây dựng, thực hiện lồng ghép một số thủ tục hành chính mà theo báo cáo của Bộ Xây dựng sẽ cắt giảm được ít nhất 350 ngày…

Nghị quyết 201 đã tháo gỡ được các điểm nghẽn thể chế để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, cụ thể hóa được các cơ chế, chính sách đặc thù này thì tiếp tục cần phải có sự thống nhất chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, thống nhất ngay các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai Nghị quyết, không để chậm trễ; đồng thời, cần rà soát, kiểm đếm lại việc thực hiện những nhiệm vụ đã giao các bộ, ngành, địa phương, những việc làm tốt, việc chưa làm tốt; kết quả phát triển nhà ở xã hội 5 tháng đầu năm 2025 và các nhiệm vụ tiếp theo từ nay đến cuối năm 2025.

Bình luận