Chờ...

Thủ tướng: Chấn chỉnh các thị trường trái phiếu, bất động sản "không làm không được"

(VOH) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần phải chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn, bất động sản... dù có thể tác động tới tâm lý.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra vào sáng 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam quyết tâm chấn chỉnh hoạt động của một số thị trường (thị trường vốn, bất động sản) để các thị trường này hoạt động đúng bản chất, lành mạnh, an toàn. Quá trình chấn chỉnh này cũng tác động tới tâm lý thị trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 (Ảnh: VGP)

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm chấn chỉnh các thị trường này, "không làm không được", xử lý người sai bảo vệ người đúng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã lập 3 tổ công tác để xử lý những vấn đề nội tại của tiền tệ, vốn, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Các tổ công tác này do Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng.

Loạt sai phạm của các doanh nghiệp liên quan đến phát hành trái phiếu đã và đang bị xử lý, dẫn đến tâm lý lo lắng và đua nhau rút tiền của các nhà đầu tư, khiến doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn…

Hoạt động phát hành trái phiếu sau quý III giảm cả số đợt phát hành lẫn quy mô. Tháng 10 hoàn toàn vắng bóng 2 nhóm phát hành chủ lực là bất động sản và tổ chức tín dụng và chỉ ghi nhận một đợt phát hành riêng lẻ nội địa.

Tại cuộc họp với 39 công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngày 23/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói doanh nghiệp khó thanh khoản phải bán tài sản để trả nợ trái phiếu chứ không để nhà đầu tư mất niềm tin.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhắc lại quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động; phối hợp chặt chẽ với tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; đồng thời tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì xử lý các vấn đề liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp; sửa đổi nghị định quy định về trái phiếu doanh nghiệp…

Theo số liệu của cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,39% so với tháng 10. So với tháng 12/2021, CPI tháng 11 tăng 4,56% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,37%. Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tăng 2,38%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (3,02%) phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Cán cân thương mại 11 tháng ước xuất siêu 10,6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,6 tỷ USD). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng đạt gần 19,7 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ, mức cao nhất 11 tháng trong 5 năm qua.

Trong 11 tháng có 194.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường nhưng cũng có 132.300 doanh nghiệp rút lui, tăng 24,3%.