Chờ...

Thủ tướng: Con tàu Việt Nam "vượt qua sóng cả, vững tay chèo" trong năm 2023

VOH - Nhân dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, tối 24/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân chủ trì buổi gặp mặt, chiêu đãi Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, năm 2023 vừa đi qua với nhiều biến động phức tạp. Con tàu Việt Nam đã "vượt qua sóng cả, vững tay chèo", "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái", đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực với nhiều dấu ấn nổi bật.

Thủ tướng: Con tàu Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu - Ảnh: VGP.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%; tăng trưởng GDP đạt 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, đưa quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm;

Thu đủ chi - thu ngân sách năm 2023 tăng 8,12%; xuất đủ nhập - xuất siêu 28 tỷ USD; làm đủ ăn - xuất khẩu 8,3 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu; an ninh năng lượng cơ bản được bảo đảm;

Thị trường lao động phục hồi tốt. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 36,6 tỷ USD, tăng trên 32%, vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD trong khi tình hình thế giới rất khó khăn.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.

Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, góp phần mở rộng, nâng tầm quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam và các nước, đối tác quốc tế.

Thủ tướng: Con tàu Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân chủ trì buổi gặp mặt, chiêu đãi Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam - Ảnh: VGP

Thủ tướng cho rằng, bước sang năm 2024, tình hình thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy chủ đạo, là xu thế lớn, là khát vọng chung của nhân loại.

Các xu hướng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), chíp bán dẫn…

và các quan hệ liên kết, hợp tác kinh tế khu vực, quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội mới, lựa chọn mới, không gian phát triển mới cho các quốc gia.

Theo Thủ tướng, để những cơ hội, tiềm năng đó trở thành các động lực mới phục vụ khát vọng hòa bình và phát triển của nhân loại, đòi hỏi sự nỗ lực và đoàn kết đồng lòng của mỗi quốc gia và toàn thế giới.

"Không một quốc gia đơn lẻ nào, dù lớn và giàu mạnh đến đâu, có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhất là các vấn đề mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân hiện nay", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cho rằng, củng cố lòng tin chiến lược, sự chân thành và sẻ chia trách nhiệm là những yếu tố căn bản và quan trọng nhất để cùng khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức;

Thúc đẩy đoàn kết và hợp tác quốc tế là giải pháp nền tảng để các quốc gia thu hẹp khác biệt, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế;

Đề cao chủ nghĩa đa phương, đặt người dân vào vị trí vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là mục tiêu, là nguồn lực, là động lực cho phát triển là cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả nhất đối với các vấn đề mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân.

Theo Thủ tướng, thế giới cần cùng nhau chia sẻ, cùng có trách nhiệm chung để mang lại hòa bình, ổn định, để không còn phải chứng kiến những đau thương, mất mát, nhất là người dân vô tội;

Vì thế giới hôm nay về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh, tổng thể là hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn căng thẳng, tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột.