Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Kon Tum là tỉnh miền núi, nằm ở ngã ba Đông Dương, có đường biên giới với cả nước bạn Lào và Campuchia. Tỉnh vừa có thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu, ngay trong năm học mới 2023-2024, ngành Giáo dục Kon Tum và tỉnh phải khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra; tiếp tục thực hiện thật tốt các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, với phương châm lấy “học sinh là trung tâm, nhà trường là nền tảng, thầy cô giáo là động lực của giáo dục và đào tạo”.
Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng dạy và học; ngoài đào tạo kiến thức phải giáo dục công dân, kỹ năng sống cho học sinh để các em phát triển toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”.
Dứt khoát không để tệ nạn xã hội xâm nhập vào môi trường giáo dục; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thầy cô giáo và học sinh trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kon Tum chuẩn bị đủ sách giáo khoa cho học sinh; cơ cấu lại đội ngũ giáo viên và sắp xếp lại cơ sở trường lớp đảm bảo hiệu quả, phù hợp tình hình, theo hướng tăng điểm trường lẻ, tăng trường dân tộc nội trú.
Về đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất cho học sinh học tập, sinh hoạt, nhất là các trường dân tộc nội trú, Thủ tướng nhấn mạnh, Kon Tum phải quy hoạch lại, xây dựng các trường học đảm bảo khang trang, sạch, đẹp; khi chưa có điều kiện xây dựng nhà kiên cố thì xây dựng các nhà 1 tầng, mái ngói, tường gạch, thoáng mát, phù hợp tình hình, an toàn cho học sinh, bảo đảm hiệu quả. Đặc biệt, phải trồng thêm nhiều cây xanh để “xanh hóa” nhà trường.
Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cơ sở vật chất cho các trường học, nhất là trường dân tộc nội trú; coi trọng công tác quản trị trường; quy hoạch phát triển đội ngũ học sinh, chuẩn bị giáo viên cho các giai đoạn tới.