Thủ tướng: Đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023

(VOH) – Ngày 2/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, trong các động lực tăng trưởng, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu thu hẹp, chậm lại. Giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư cần nhiều nỗ lực hơn nữa.

Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.

Về kiểm soát lạm phát, cần chú trọng nhóm lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng. Bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.

Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Thủ tướng: Đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. 

Về bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu quản lý thu ngân sách Nhà nước theo quy định, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không cần thiết.

Tiếp tục đề xuất các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính...Thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số, công dân số, kinh tế số.

Đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, công trình giao thông trọng điểm.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng quy định.

Về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại 14.100 tỷ đồng. Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2.

Về thương mại, xuất nhập khẩu: Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu vào các thị trường lớn Trung Quốc, Ấn Độ.

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng, dầu ổn định, giảm khâu trung gian…Sớm sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Sửa đổi khung giá điện; điều chỉnh giá điện theo lộ trình phù hợp, không giật cục.

Thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, thương mại trong ngành nông nghiệp (như chương trình OCOP). Khắc phục tình trạng thiếu lao động cục bộ, không để đứt gãy cung ứng nguồn lao động.

Bình luận