Tại cuộc trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên tiếp tục củng cố tình cảm hữu nghị, lòng tin chính trị giữa lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước.
Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA thế hệ mới cho Việt Nam, có các chính sách nâng cao chất lượng, điều kiện sống, làm việc cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Thủ tướng Ishiba Shigeru nhất trí tăng cường toàn diện quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, đồng thời cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản.
Tiếp xúc với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra ba đề xuất quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, bao gồm tiếp tục thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp.
Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc tiếp tục cung cấp ODA quy mô lớn, điều kiện ưu đãi giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kim ngạch đạt 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030.
Nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yoel cũng bày tỏ sẵn sàng đón lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sớm thăm Hàn Quốc trong năm 2025.
Ông đồng thời cho hay sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan tích cực phối hợp với Việt Nam triển khai những thỏa thuận đạt được trong các chuyến thăm gần đây của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 phương hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Chính phủ Việt Nam khuyến khích các dự án đầu tư lớn của Ấn Độ trong các lĩnh vực chiến lược như hạ tầng giao thông vận tải, logistics, công nghệ cao, dầu khí, năng lượng tái tạo…
Thứ hai, đề nghị tăng cường hơn nữa kết nối doanh nghiệp và đối thoại chính phủ - doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác, giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Thứ ba, tăng cường hợp tác giao lưu nhân dân.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ bày tỏ coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, đồng thời cho biết sẽ xem xét nghiêm túc về lời mời thăm Việt Nam trong năm sau của Thủ tướng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz trao đổi về các biện pháp đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đề xuất nhiều định hướng nhằm đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tại cuộc tiếp xúc với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên tích cực trao đổi, tiến tới nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia trong năm 2025, cùng nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 18 tỷ USD.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh hai nước cần khuyến khích, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào thị trường của nhau, trong đó có hợp tác phát triển thị trường Halal.
Đáp lại, Tổng thống Prabowo Subianto khẳng định Indonesia luôn coi trọng phát triển, nâng tầm quan hệ hợp tác với Việt Nam tương xứng với lợi thế, tiềm năng của mỗi nước.
Nhà lãnh đạo Indonesia bày tỏ nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đề nghị hai bên tăng cường hợp tác về song phương và đa phương để xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Gặp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong quản trị toàn cầu.
Chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres khẳng định trong một thế giới có nhiều biến động, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực.
Việt Nam là một hình mẫu của hòa bình và phát triển bền vững, là điểm sáng trong quan hệ quốc tế mà các nước cần học tập, theo ông António Guterres.