Thủ tướng: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, tiếp tục giảm lãi suất cho vay 1-2%

VOH - Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 1/6, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Phiên họp đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tốt hơn tháng 4, đạt kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Điểm lại 10 điểm nổi bật kết quả phát triển kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng phát triển châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 6%, thuộc nhóm 5 nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4%, giai đoạn 2024-2029.

img5281-1717219460875553933324
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 1/6 - Ảnh: VGP

Thủ tướng nhìn nhận sức ép kiểm soát lạm phát, tỉ giá còn cao; sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là khó khăn vướng mắc thị trường bất động sản chậm được giải quyết; tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội rất chậm. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao….

Một trong nhiều nguyên nhân hạn chế, tồn tại, theo người đứng đầu Chính phủ, là do tổ chức thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tháng 6 và thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Phấn đấu tăng trưởng tín dụng 6 tháng năm 2024 khoảng 5%, cả năm khoảng 15%; tiếp tục giảm lãi suất cho vay 1-2%.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Xây dựng thúc đẩy giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải sớm có phương án huy động thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng chiến lược.

Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; có giải pháp ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với xăng, dầu, các hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm.

Ngoài ra là việc tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc.

thu-tuong-chinh-phu
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chính sách tiền tệ, tài khóa ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt - Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công; phân bổ sớm 29,1 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại; báo cáo Quốc hội cho phép chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn từ nơi chưa phân bổ, chậm giải ngân sang nơi giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn.

Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia.

Với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Thủ tướng nhấn mạnh việc phải đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ; bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống.

Thủ tướng lưu ý tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài như xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Công ty tàu thủy Dung Quất, Nhà máy thép Việt-Trung, Nhà máy thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam.

Thủ tướng đề nghị chuẩn bị cải cách tiền lương theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội theo nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định, với thang bảng lương, lương cơ sở. Đề xuất phương án phù hợp nhất thực hiện từ ngày 1/7/2024 về các vấn đề liên quan thang bảng lương, lương cơ sở và chính sách đặc thù.

Bình luận