Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới

(VOH) - Sáng 26/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Đa-vốt, Thụy Sĩ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) diễn ra từ ngày 22-25/01/2019 theo lời mời của Chủ tịch điều hành và sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab. Đây là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019.

Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende. Ảnh: TTXVN

Ngay khi đến Đa-vốt, thị trấn cao nhất châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu chương trình làm việc khẩn trương với 37 hoạt động nối tiếp nhau, luôn kết thúc vào tối muộn. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng đã phát biểu tại phiên thảo luận “Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương”, dự đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao (IGWEL) với chủ đề “Thế giới trong thời đại toàn cầu hóa 4.0” và phiên đối thoại với Chủ tịch WEF Borge Brende được truyền trực tuyến trên mạng chính thức toàn cầu của WEF với chủ đề “Việt Nam và Thế giới”. Đây là lần đầu tiên WEF tổ chức một phiên riêng về Việt Nam để quảng bá phát triển và hội nhập của Việt Nam. Thủ tướng cũng đã có các cuộc gặp gỡ lãnh đạo một số nước, người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn; gặp gỡ, đối thoại với các CEO, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới; cùng Chủ tịch điều hành và sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab chứng kiến lễ ký Thoả thuận hợp tác về xây dựng Trung tâm cách mạng công nghệ 4.0 và Ý định thư về xây dựng sáng kiến rác thải nhựa giữa WEF và Việt Nam.

Dự Hội nghị WEF Đa-vốt năm nay với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, phát biểu tại các phiên thảo luận, đối thoại, Thủ tướng cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” từng doanh nghiệp, đem đến những thay đổi sâu sắc, mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Nỗ lực vượt qua khó khăn, hạn chế, thách thức, Việt Nam coi đây là cơ hội to lớn khi các quốc gia cạnh tranh bằng sáng tạo, mà không phải chỉ bằng các yếu tố truyền thống như tự do thương mại, qui mô, kinh nghiệm, lao động, vốn đầu tư.

Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là về công nghệ mà còn là cuộc cách mạng lớn về chính sách. Việt Nam đã khởi động Chương trình “Make in Viet Nam 4.0” - một sáng kiến thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa trên chính sách mới, tư duy quản lý mới và những công nghệ mới. Để tiến lên trong cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ triển khai thử nghiệm mạng lưới 5G vào năm 2019 và thương mại hóa vào năm 2020, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước trên thế giới đi đầu về triển khai 5G. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam định hình khuôn khổ pháp lý minh bạch, ngày càng tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và mong WEF, cộng đồng doanh nghiệp giữ vững niềm tin vào quyết tâm và nỗ lực đổi mới của Việt Nam.

Đối thoại với Chủ tịch WEF Borge Brende với chủ đề “Việt Nam và Thế giới”, trước câu hỏi “Việt Nam gây bất ngờ cho thế giới trong 5 năm tới như thế nào?”, Thủ tướng nêu rõ, “chúng tôi có một khát vọng dân tộc trong phát triển. Trước hết, trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi giữ đà tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội và là một địa chỉ đáng tin cậy cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam thuận lợi nhất, an toàn nhất. Vì thế, chúng tôi tăng cường đối thoại, đẩy mạnh cải cách thể chế, pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, để không khí đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư ở Việt Nam sôi động hơn, giải quyết nhiều việc làm hơn, đóng góp cho sự phát triển tốt hơn, giữ được đà tăng trưởng liên tục trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay. Đó là điều Chính phủ cam kết với người dân, nhà đầu tư. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, chúng ta giữ được đà tăng trưởng cao cũng là một sự cố gắng, nếu không muốn nói là bất ngờ”.

Tại phiên thảo luận giữa các nhà lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương với chủ đề “hành động vì Đại dương”, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế hành động vì Đại dương không rác thải nhựa, đề xuất các sáng kiến như: thành lập “Diễn đàn đối tác công - tư rộng mở về ứng phó với biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển”; đề nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới phối hợp với các đối tác nghiên cứu, thúc đẩy hình thành Mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển và đại dương; đồng thời hoan nghênh cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chung của ASEAN về việc cần phải bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông, góp phần gìn giữ đại dương xanh, hòa bình, ổn định và hợp tác.

Trong khuôn khổ WEF Đa-vốt 2019, Việt Nam và WEF đã ký Thỏa thuận hợp tác Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Thủ tướng cho biết, Trung tâm trên sẽ được kết nối với các Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF tại Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ. Thực hiện hợp tác này, Việt Nam sẽ là một tâm điểm về chính sách 4.0 của khu vực. Việt Nam sẽ đi đầu trong xây dựng khung chính sách, chấp nhận và cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, áp dụng mạnh mẽ mô hình hợp tác công-tư để tạo ra các dịch vụ và sản phẩm đột phá, thân thiện với môi trường trong Cách mạng công nghiệp 4.0 với chủ thể trọng tâm là các doanh nghiệp trẻ có khát vọng sáng tạo, không sợ vấp ngã để tiến lên mạnh mẽ.

Trong các hoạt động song phương, Thủ tướng đã gặp Thủ tướng Nepal, Nhà vua Bỉ, Hoàng hậu Hà Lan, Thủ tướng Séc, Tổng thống Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Romania, Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Công, Tổng Giám đốc WTO, Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, Tổng thư ký OECD. Tại các cuộc gặp, Thủ tướng đã trao đổi nhiều biện pháp, nhất trí tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương cùng có lợi, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, vì sự thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng đã gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo chủ chốt của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn như Siemens, Qualcomn, Google, Total, Allianz, JBIC, GE, Prudential, Facebook, Sanofi,… trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm, bao gồm cả những vướng mắc trong phát triển kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trên không gian mạng.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những ý tưởng, mô hình kinh doanh có tính đột phá, không chỉ ủng hộ những doanh nghiệp mà quan trọng hơn là ủng hộ những giá trị sáng tạo, đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, ủng hộ xu hướng tiến bộ, giúp đem lại lợi ích và tiện ích, tiện nghi cho người dân.  “Không quản lý được thì đóng cửa là quan điểm lạc hậu rồi”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp quốc tế: “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam”. “Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi và cùng các bạn hiện thực hóa chiến lược, chương trình, kế hoạch về thúc đẩy phát triển trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng một nền công nghiệp 4.0”.

Đánh giá cao các phát biểu của Thủ tướng, lãnh đạo các tập đoàn quốc tế bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ trước sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam thời gian qua, đồng thời ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh và cho biết đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng thể hiện sự ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp hai bên.

Có thể nói, chuyến tham dự Hội nghị WEF lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mang tới những thông điệp mạnh mẽ về đường lối, định hướng, chính sách và quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam các đối tác, tập đoàn hàng đầu thế giới, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước, nhất là thực hiện mục tiêu “bứt phá” về phát triển kinh tế- xã hội năm 2019. Đồng thời qua Hội nghị WEF 2019, chúng ta đã thấy được những xu thế mới trong quản trị song phương, đa phương toàn cầu, các cọ sát chiến lược giữa các nền kinh tế lớn và hướng đi tất yếu của cạnh tranh bằng sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là những tri thức rất hữu ích cho việc hoạch định các chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 và 2045./.

Bình luận