Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra hôm nay 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay.
"Ngay trong năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn, song kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đảm bảo các cân đối lớn; Chính trị ổn định; An ninh trật tự, chủ quyền quốc gia đảm bảo; Hoạt động đối ngoại được tăng cường...", Thủ tướng nói.
Nhận định kinh tế năm 2023 có những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động, phản ứng chính sách kịp thời; phải xem công việc của người dân, doanh nghiệp như công việc của mình.
Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; Ổn định thị trường ngoại hối, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn.
Điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; Bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục điều hành chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả.
Cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; sửa đổi, hoàn thiện thể chế quản lý thuế; chống chuyển giá, trốn thuế.
Chú trọng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh và phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản.
“Thị trường phải bảo đảm hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư...theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và theo đúng quy định pháp luật...”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Xem thêm: Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Phát sinh nhiều vấn đề về kinh tế chưa có tiền lệ
Thủ tướng Chính phủ đề nghị thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chương trình chống biến đổi khí hậu
Khẩn trương tập trung thực hiện, hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải đi trước một bước.
Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; Đảm bảo ổn định giá cả; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng...