Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: tiếp tục đẩy mạnh ba đột phá chiến lược

(VOH) - Sáng 29-12, hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tiếp tục diễn ra, hội nghị đã nghe các báo cáo của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Đối với kiến nghị của UBND TP.HCM về việc Chính phủ cần phân cấp cụ thể hơn nữa cho chính quyền thành phố nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết thống nhất với đề nghị này của thành phố, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi một số luật chuyên ngành cho phù hợp.

Cũng về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao TP.HCM chủ trì việc nghiên cứu luật Tổ chức chính quyền địa phương, đề xuất cụ thể yêu cầu được phân cấp, đánh giá lại Nghị định 93, xác định những mặt thuận lợi và những vấn đề còn vướng mắc, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức theo các chỉ đạo của Trung ương, đến nay còn 11 tỉnh thành sử dụng biên chế vượt so với Chính phủ giao. Ở khu vực sự nghiệp thì tăng cả số đơn vị và số lượng người làm việc. Bộ trưởng thừa nhận việc tinh giản biên chế ở khu vực sự nghiệp là cực kỳ khó khăn, phải có tập trung, quyết liệt và có biện pháp thiết thực.

Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, các thành viên Chính phủ có cùng dự báo là kinh tế vĩ mô sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, mặt bằng lãi suất hiện nay phù hợp với định hướng lâu dài là kiểm soát lạm phát dưới 5%, tuy nhiên để đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016 thì không loại trừ khả năng khó kiểm soát được dưới mức 5%.

Đối với hai chương trình mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết đây là mục tiêu lớn cần bố trí nguồn vốn tương xứng, cả ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương đều phải tập trung cho mục tiêu này.

“Các địa phương không nên chạy theo thành tích mà phải làm thực chất. Trong quá trình phê duyệt các xã, các huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không được huy động dân một cách bắt buộc, không được huy động đóng góp của các hộ nghèo, không để mức đầu tư xây dựng cơ bản quá lớn so với khả năng của  ngân sách và cũng không được huy động quá sức dân”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: năm 2015, cả nước đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Bên cạnh những thành quả cũng còn nhiều hạn chế yếu kém như: năng lực cạnh tranh, nguồn lực đầu tư cho phát triển còn yếu, ngân sách quốc gia hạn hẹp trong khi cơ chế huy động nguồn lực xã hội chưa đủ mạnh.

Năm 2016, nước ta hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, tốc độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Trong bối cảnh  đó, Chính phủ cũng như chính quyền các cấp phải nỗ lực, ra sức phát huy những thành tựu, những kinh nghiệm tốt và khắc phục những khó khăn yếu kém để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Về các giải pháp để thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh ba đột phá chiến lược: ”Thứ nhất là hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường để thực hiện có hiệu quả hơn các nguồn lực. Thứ hai là đột phá về cơ sở hạ tầng, ngân sách, phải tạo cơ chế để thu hút đầu tư của xã hội, cả trong và ngoài nước. Thứ ba là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho phát triển”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo phải quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, giảm nghèo…để nâng cao chất lượng đời sống người dân.