Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Có cơ sở đạt mức tăng trưởng 6,7%

(VOH) - Sáng 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 với sự tham dự của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ và lãnh đạo các địa phương cả nước.

Các bộ ngành địa phương đã phân tích, kiến nghị các giải pháp chủ yếu để thực hiện đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm năm 2017. 

Để cả năm tăng trưởng 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là mục tiêu cao nhưng có cơ sở, căn cứ để đạt được bởi các ngành, các lĩnh vực hiện đang phục hồi mạnh.

Thủ tướng Chính phủ phân tích, các chỉ số cơ bản của sức khỏe nền kinh tế đều tốt. Kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát ở mức thấp, 6 tháng chỉ tăng 0,2%: “Tăng trưởng phục hồi mạnh, quý I đạt 5,15%, quý II tăng 6,17%. Đây là sự tăng trưởng rất ngoạn mục, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,73%, trong đó nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh”, ông Phúc nhấn mạnh. 

Khách quốc tế tăng trên 30%. Việt Nam là 1 trong 12 nước dẫn đầu về tăng trưởng du lịch của thế giới. Tín dụng tăng 8%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm. Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm, xuất khẩu tăng gần 19%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. 6 tháng kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 200 tỷ USD.

Thu ngân sách tăng mạnh, có nhiều giải pháp bảo đảm nguồn thu. Vốn FDI tăng mạnh, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt trên 19 tỷ USD, tăng 54,8%, vốn thực hiện 7,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 6,5%. Có trên 61.000 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn gần 600.000 tỷ đồng; tăng cường quan hệ với đối tác, nước lớn, ký kết thương mại đầu tư hàng chục tỷ đô la Mỹ, mở ra chương mới trong đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới. Nhiều tỉnh, thành phố xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả tốt.

Tại điểm cầu tại TPHCM 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhìn nhận các mặt hạn chế. Trên lĩnh vực nông nghiệp, việc tiêu thụ một số nông sản còn khó khăn, giá bán giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất.

Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng còn thấp hơn cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm đến 8,2%, riêng dầu khí giảm 11,6%. Ngành than tuy xuất khẩu tăng nhưng lượng than tồn kho rất lớn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng đề xuất, Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu thêm than ngoài hạn ngạch được phê duyệt để tiêu thụ than còn tồn đọng; Có chính sách thuế, phí hỗ trợ cho TKV có lợi thế cạnh tranh so với than nhập khẩu. Ông Dũng đề nghị Bộ Tài chính hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến xuất khẩu than để bổ sung vào dự án Luật sửa đổi bổ sung các Luật thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung bàn giải pháp, bảo đảm tăng trưởng từng ngành, lĩnh vực, khắc phục khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ lúa, nông sản, thịt lợn, gà, trái cây; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn, phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương, cơ chế, chính sách đi vào thực tiễn.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong mong Thủ tướng sớm ban hành thông báo kết luận để tạo điều kiện cho TP triển khai

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị: “Việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TPHCM phát triển sẽ tạo tiền đề quan trọng cho tăng trưởng, phát triển của cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản thống nhất với 10 đề xuất, kiến nghị của thành phố.

Chúng tôi rất mong, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành thông báo kết luận để tạo điều kiện cho thành phố triển khai sau khi đã có chủ trương, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về vốn đầu tư. Các cơ chế chính sách đặc thù để TP phát triển nhanh, bền vững”.

Với báo cáo và đề xuất của TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận vai trò của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất quan trọng đối với đất nước: “Cứ 1% GDP tăng trưởng của Việt Nam, thì TPHCM đã chiếm tới 0,21%, ngân sách đóng góp chiếm tới 27% cả nước. Rất hoan nghênh TPHCM về xã hội hóa, về khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mới nhất là giải ngân vốn đầu tư công vơi con số trên 51%”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng dự

Thủ tướng đề nghị TPHCM cũng như các địa phương khác cần xem lại hiệu quả sử dụng đất đai, tình trạng ùn tắc giao thông, cải cách hành chính, tiếp tục các chương trình chống ngập, xây dựng thành phố thông minh, hội nhập, cạnh tranh. Chính phủ sẽ lắng nghe và tháo gỡ những vấn đề mà TP đặt ra. 

Đối với thành phố Hà Nội, một vấn đề được nêu là nước sạch - nhu cầu bức thiết đối với người dân ở thành phố Hà Nội. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: TP Hà Nội đã phê duyệt 23 dự án cấp nước sạch nông thôn với tổng mức đầu tư 16.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành, sẽ nâng tỷ lệ nông thôn được cấp nước sạch vào tháng 10/2018 lên 88,6% theo tiêu chuẩn nước sạch đô thị:

“Tính đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố đã cấp đầu tư về cung cấp nước sạch cho 364/368 xã. Còn khoảng 22 xã, 262.000 nhân khẩu chưa có nhà đầu tư hệ thống nước sạch bao gồm các địa bàn: Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh. TP đang tiếp tục kêu gọi xã hội hóa cấp mạng nước. Đảm bảo đến tháng 10/2019, 100% các xã sẽ được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn nước sạch đô thị”, ông Chung nói. 

Đối với báo cáo của TP Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội đã đầu tư BOT nước sạch ra các xã nông thôn ngoại thành. Làm 6 tháng mà chỉ có 2 huyện mới lên nông thôn mới.

Trong khi đó, Hà Nội còn đề nghị đầu tư hạ tầng đến 432 ngàn tỷ đồng nhưng xã hội hóa đến 80%. Cải cách hành chính thì mặt được và chưa được vẫn còn nhiều, dân còn kêu… Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành cần cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.